Hoàng Tuấn Anh

Tiền lương và chế độ nâng bậc lương trong đơn vị sự nghiệp công lập

Thời hạn để xét tính nâng bậc lương? năm 2010 ông A mới bổ sung bằng đại học thì có ảnh hưởng gì đến việc xếp bậc lương mới như trên không? Và nếu được xếp bậc lương mới như trên thì trong thời gian tới, khi ông A trúng tuyển viên chức thì ông A có được giữ nguyên bậc lương trên không? Cụ thể như sau:

 

Đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước tự đảm bảo kinh phí hoạt động, chế độ tiền lương thực hiện theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Hiện nay có ông A là người lao động đang được hưởng lương bậc 1/9, hệ số 2,34. Tuy nhiên, ông A đã có kinh nghiệm công tác đối với vị trí công tác hiện nay và có hơn 9 năm tham gia BHXH (số năm tham gia BHXH trên là cộng dồn từ năm 2003 đến nay), vì vậy, ông A có kiến nghị đơn vị xếp bậc lương mới cao hơn bậc lương hiện hưởng. Từ năm 2003 đến năm 2014, ông A làm việc tại các công ty tư nhân và hưởng lương theo thỏa thuận (tuy nhiên trước đây chỉ có bằng tốt nghiệp trung cấp và năm 2010 mới bổ sung bằng đại học, đồng thời từ năm 2012 đến năm 2014 không tham gia BHXH). Đến năm 2015, ông A chuyển công tác đến 01 đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước và được hưởng lương bậc 1/9, hệ số 2,34. Và đầu năm 2016 chuyển công tác đến đơn vị hiện tại cũng hưởng lương bậc 1/9, hệ số 2,34. Vậy, theo kiến nghị của ông A, đơn vị tôi xếp bậc lương mới cho ông A căn cứ quá trình tham gia BHXH cộng dồn (9 năm tham gia BHXH tương đương bậc lương 3/9, hệ số 3,00) là có hợp lý không; năm 2010 ông A mới bổ sung bằng đại học thì có ảnh hưởng gì đến việc xếp bậc lương mới như trên không. Và nếu được xếp bậc lương mới như trên thì trong thời gian tới, khi ông A trúng tuyển viên chức thì ông A có được giữ nguyên bậc lương trên không. Rất mong được luật sư tư vấn về vấn đề trên. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, đối với kiến nghị đơn vị xếp bậc lương mới của của ông A:

 

Phạm vi và đối tượng áp dụng chế độ nâng bậc lương:

 

Căn cứ điểm c, Khoản 1 thì phạm vi và đối tượng áp dụng có: “Những người làm việc theo chế độ hp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.Xét trường hợp của ông A là người lao động theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định trên.

 

Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương:

 

Theo điểm a, điểm c, khoản 1, Điều 1 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thì cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn quy định tại Thông tư này.

 

Điểm a, khoản 1 và điểm b, khoản 2  Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV quy định điều kiện về thời gian giữ bậc và tiêu chuẩn để xét nâng bậc lương thường xuyên như sau:

 

Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

 

Viên chức (theo hợp đồng làm việc) và người lao động (theo hợp đồng lao động) trong đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong chức danh nghề nghiệp, qua đánh giá đạt đủ hai tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:

 

- Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

 

- Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

 

Xác định thời điểm nâng lương:

 

Trường hợp ông A từ năm 2003 đến năm 2014, ông A làm việc tại công ty tư nhân; đến năm 2015 chuyển đến 1 đơn vị sư nghiệp công lập; và đến năm 2016 ông A lại chuyển đến một đơn vị sự nghệp công lập khác và công tác đến nay. Theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 1 Thông tư số 08/2013/TT-BNV, viên chức (ký hợp đồng làm việc) hoặc người lao động (ký hợp đồng lao động), đã xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì:

 

b) Các trường hp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

 

- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

 

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

 

- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

 

- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

 

c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

 

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

 

- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

 

- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

 

Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm này (nếu có) được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng.”

 

Như vậy, xét theo căn cứ trên thời gian để xét nâng bậc lương dựa vào thời gian lao động, công tác liên tục tại cơ quan chứ không phụ thuộc vào thời hạn tham gia BHXH. Do đó, trường hợp của ông A chư đủ 3 năm theo quy định của pháp luật thì không thuộc đối tượng áp dụng chế độ nâng bậc lương thường xuyên do không đủ thời gian lao động liên tục, kiến nghị của ông A là không hợp lí.

 

Ngoài ra, đối với việc năm 2010 ông A mới bổ sung bằng Đại học, việc này ảnh hưởng trực tiếp tới căn cứ phân loại đối tượng áp dụng chế độ năng bậc lương, theo đó thời hạn để xét nâng bậc lương cũng có sự khác nhau.

 

Thứ hai, ông A tiếp tục giữ bậc lương như trên nếu được trúng tuyển viên chức thì căn cứ sau đây:

 

Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức quy định, người trúng tuyển viên chức được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đủ các điều kiện sau:

 

- Đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên.

 

- Trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

 

Người được tuyển dụng đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, nếu không có đủ các điều kiện quy định nêu trên thì phải thực hiện chế độ tập sự.

 

Thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.

 

Theo thông tin như anh (chị) cung cấp, thì hiện tại ông A đã bắt đầu công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2016 đến nay và đã có thời hạn tham gia BHXH hơn 9 năm và tính đến thời điểm hiện tại ông A đang hưởng lương bậc 1/9, hệ số 2,34. Tuy nhiên, nếu ông A trúng tuyển viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với chuyên môn, nghiệp vụ, vị trí việc làm như đã làm việc theo chế độ hợp đồng. Căn cứ hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư 15/2012/TT-BNV, thì trường hợp ông A không phải áp dụng chế độ tập sự; ông  đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ đúng với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, vì vậy thời gian đó được tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm viên chức và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.

 

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên căn cứ xét nâng bậc lương dựa vào thời gian công tác liên tục theo chức danh của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập đó. Nên nếu đỗ viên chức trong trường hợp này ông A sẽ vẫn hưởng chế độ lương cũ (bậc 1/9, hệ số 2,34) cho đến khi đủ diều kiện xét nâng bậc lương theo quy định của pháp luật hoặc phải đợi đến khi có đợt thi nâng ngạch để tăng lương theo quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh (chị) hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh (chị) vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Dương Thị Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo