LS Nguyễn Thùy Dương

Thủ tục xét tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ

Thủ tục xét tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ Xử lý hành vi sửa nội dung hồ sơ Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Xin luật sư cho tôi biết trong quá trình xét tinh giảm biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ, đơn vị tôi công tác khi xét không triệu tập các cá nhân có trong danh sách mà chỉ thông báo kết quả có đúng quy định hay không?

Theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế:
Điều 14. Trình tự thực hiện tinh giản biên chế

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp với cấp ủy, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế như sau

c) Lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế theo định kỳ 2 lần/ năm (6 tháng/1 lần) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở đề án tinh giản biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Điều 17. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức

3. Thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan; công khai đề án tinh giản biên chế và danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế.

Theo các quy định nêu trên, đơn vị bạn công tác khi xét tinh giản biên chế theo Nghị định 108 không triệu tập các cá nhân có trong danh sách mà chỉ thông báo kết quả là đúng quy định của pháp luật.

2. Để đưa cá nhân vào diện xét tinh giản biên chế đã cố tình sửa nội dung hồ sơ thi đua từ hoàn thành nhiệm vụ trở thành không hoàn thành nhiệm vụ có vi phạm hay không ? Nếu vi phạm thì bị xử lí như thế nào?

Theo quy định tại Điêu 284 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009

Điều 284. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ,  tài liệu;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm  chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Do đó, hành vi sửa nội dung hồ sơ thi đua từ hoàn thành nhiệm vụ trở thành không hoàn thành nhiệm vụ vi phạm pháp luật và có thể  bị khởi tố hình sự về tội giả mạo trong công tác.

Mặt khác, người có hành vi sửa nội dung hồ sơ thi đua từ hoàn thành nhiệm vụ trở thành không hoàn thành nhiệm vụ là cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý kỉ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Theo quy định tại Luật cán bộ, công chức 2008:

Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ

1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm.

2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.

3. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

4. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.


Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.          

2. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.


Theo quy định tại Nghị định 72/2012 quy định về xử lý kỉ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức:

Điều 9. Các hình thức kỷ luật

1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Buộc thôi việc.

2. Viên chức quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Buộc thôi việc
 

3.Tôi đã đóng bảo hiểm được 21 năm nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu trước tuổi vậy tôi muốn đóng tiếp bảo hiểm hoặc bảo lưu đợi đủ tuổi thì tôi được hưởng những chế độ gì ?

*Trường hợp tiếp tục đóng bảo hiểm:

Bạn đã có đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ tuổi để  hưởng lương hưu, nếu muốn đóng tiếp cho đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu thì theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2006 mức hưởng như sau:

Điều 52. Mức hương hưu hàng tháng.

1.Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Nếu đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà số năm đóng bảo hiểm trên 30 năm thì bạn còn được hưởng trợ cấp một lần.

Điều 54. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.


*Trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Điều 57. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp bạn muốn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thì khi đến tuổi nghỉ hưu bạn sẽ được hưởng mức lương hưu hàng tháng quy định tại Điều 54.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục xét tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV Ngô Thị Bắc - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo