LS Vũ Thảo

Thắc mắc về điều khoản và chế độ hơp đồng lao động

Tôi là cán bộ được UBND xã ký hợp đồng lao động làm công tác ủy nhiệm thu, thu các loại thuế trên địa bàn xã mà Chi Cục thuế ký với UBND xã từ ngày 01/07/2005 đến nay. Hàng năm UBND xã ký hợp đồng lao động với tôi là 12 tháng với mức lương từ 1.0 đến 1.3/ tháng hiện nay, tôi không được hưởng "các chế độ Bảo hiểm".

 

Trong quyết định số: 63/2011 ngày 19/10/2011 của UBND tỉnh BRVT không có chức danh cán bộ ủy nhiệm thu, tôi chỉ được UBND xã hợp đồng làm công việc nêu trên cho địa phương, hợp đồng lao động không theo mẫu của thông tư só 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ lao động thương và xã hội. Theo thông tư số 33/2013/TT-LĐTBXH ngày16/12/2013 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn việc áp dung mức lương tối thiếu vùngđối với người lao động lam việc ở các doanh nghiệp,cơ quan, tổchức......... có thuê mướn người lao động thì phải áp dụng mức lương tối thiếu vùng và Nghị định số:122/2015 NĐ-CP ngày 14/11/2015. Địa bàn tôi đang công tác thuôc vùng 02. Tôi đưa thông tư 33/2013 đến hỏi cán bộ kế toán xã về áp dụng mức lương tối thiếu vung thìđược trả lời " Phòng nội vụ huyện không cho áp dụng thông tư này đối với UBND xã". Vậy tôi nhờ Luật sư tư vấn giúp:

1- Tôi công tác liên tục từ 01/07/2005 đến nay mà không đựơc hưởng các chế độ bảo hiểm viêc này có đúng luật không? Tôi phải đòi quyền lợi ở đâu? 

2- Việc áp dụng mức lương 1.3 hiện nay của UBND xã cho tôi có đúng không?Tài Chính xã trả lời" Phòng nội vụ huyện không cho áp dụng thông tư 33/2013này đối với UBND xã" có đúng không? Tôi phải làm sao để bảo đảm các quyềncủa người lao động?Với các nội dung nêu trên kính nhờ luật sư giúp đỡ. Tôi xin kính chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, tôi chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

1. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm của người lao động tại cơ quan hành chính nhà nước

 

 Do UBND ký hợp đồng lao động với bạn nên quyền lợi, nghĩa vụ của bạn sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động.

 

Thứ nhất, về việc giao kết hợp đồng.

 

Điều 22 Bộ luật lao động 2012 quy định Loại hợp đồng lao động:

 

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

 

a. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

 

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lưc của hợp đồng.

 

b. Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó 2 bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

 

c. Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

 

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

 

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

 

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

 

Việc bạn làm việc cho UBND cấp xã từ năm 2005 đến nay, mỗi năm UBND cấp xã đều giao kết hợp đồng có thời hạn 12 tháng với bạn là không đúng theo quy định của pháp luật. Theo đúng quy định của luật, hợp đồng lao động của bạn phải được ký kết là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

 

Thứ hai, về chế độ bảo hiểm xã hội.

 

Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy nhóm định đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn còn quy định nhóm đối tượng này phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) có quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế:

 

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

 

a. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

 

b. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật;

 

Điều 44 luật việc làm 2013 quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

 

1. Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.

 

2. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 của Luật này và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật này để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ theo mức do Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật này.”

 

Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định hành vi bị nghiêm cấm:

 

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

 

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

 

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thát nghiệp;

 

5. Sử dụng quỹ bảo hiểm, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật;

 

6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền,lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động;

 

7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

 

8.  Báo cáo sai sự thật, cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

 

Như vậy,  UBND cấp xã có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho bạn từ khi bạn giao kết hợp đồng lao động.

 

Bên cạnh đó, UBND cấp xã cũng có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho bạn.

 

Nếu UBND cấp xã không đóng bảo hiểm cho bạn, bạn có quyền làm đơn đề nghị UBND xem xét lại hành vi của mình. Nếu UBND không đồng ý thì bạn có quyền khiếu nại hành vi của UBND cấp xã hoặc khởi kiện ra Tòa án.

 

Bên cạnh đó, UBND xã không đóng bảo hiểm cho bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính với mức phạt từ 18% đến 20%  tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng và số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng.

 

2. Mức lương

 

Việc áp dụng hệ số lương để tính lương của những người hưởng lương theo ngân sách nhà nước. Bạn là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động nên sẽ không áp dụng hệ số lương 1.3. Chế độ tiền lương của bạn sẽ được áp dụng theo bộ luật lao động và không được thấp hơn mức lương cơ sở vùng do Chính phủ quy định.

 

Theo hướng dẫn tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng thì kể từ ngày 1/1/2016, người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng theo khu vực như sau:

 

Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng;

 

Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng;

 

Vùng 3: 2.700.000 đồng/tháng;

 

Vùng 4: 2.400.000 đồng/tháng.

 

Hiện nay, thông tư 33/2013/TT-BLĐTBXH không còn được áp dụng.

 

Việc UBND trả lương cho bạn không đúng với quy định của pháp luật thì bạn có thể làm đơn khiếu nại hành vi của UBND cấp xã về những việc làm đã nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thắc mắc về điều khoản và chế độ hơp đồng lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo