Hoàng Thị Kim Lý

Sa thải lao động nữ mang thai và chế độ thai sản của người lao động

Có được sa thải người lao động nữ khi đang mang thai hay không? Người lao động khi bị sa thải có được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm hay không? Các chế độ của người lao động khi bị sa thải? … Luật Minh Gia tư vấn, giải đáp các vấn đề trên như sau:

1. Luật sư tư vấn về về pháp luật lao động

Sa thải người lao động là quyền của người sử dụng lao động khi có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật lao động. Khi bị sa thải, người lao động vẫn có các quyền lợi theo quy định như các chế độ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, … Nếu bạn hoặc doanh nghiệp của bạn đang tiến hành hoạt động sa thải người lao động, bạn cần nắm rõ các quy định về trình tự, thủ tục và quyền, nghĩa vụ của người lao động khi bị sa thải.

Trong trường hợp bạn còn thắc mắc hoặc có vấn đề chưa rõ về quyền lợi của người lao động sau khi bị sa thải, hãy gửi câu hỏi của mình về địa chỉ Email của công ty Luật Minh Gia hoặc liên hệ Hotline: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên tư vấn hướng dẫn, tư vấn các vấn đề còn vướng mắc.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống tư vấn dưới đây để có thêm thông tin pháp lý và đối chiếu với trường hợp của mình.

2. Hỏi về quyền lợi của người lao động sau khi sa thải

Câu hởi tư vấn: Vợ tôi tham gia đóng BHXH được trên 24 tháng của công ty cổ phần liên doanh T tại địa phương nhưng đến cuối tháng 01/2016 trong lúc hết giờ làm vợ tôi có nhặt ít sản phẩm lỗi (lót đế dày cắt thừa) của công ty mang về khi ra đến cổng công ty bảo vệ kiểm tra và quy là trộm cắp sản phẩm công ty và bị công ty buộc thôi việc, bố tôi có đến gặp phòng tổ chức của công ty nhưng công ty không cho gặp, không tiếp, lúc đó vợ tôi đang mang thai tháng thứ 6.

Vậy tôi hỏi văn phòng luật sư như sau:

+Vợ tôi có được hưởng tiền công làm trong tháng đó và tiền thưởng của năm làm việc đó không?

+Vợ tôi có được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp không?

+ Khi vợ tôi sinh em bé có được hưởng tiền thai sản như quy định của luât BHXH Việt Nam tại khoản 2 điều 31 luật BHXH Việt Nam?

+ Việc phòng tổ chức, công đoàn công ty không gặp người nhà để trực tiếp trả lời đối thoại người lao động là đúng hay sai? 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Thứ nhất, theo thông tin bạn đưa ra thì vợ bạn bị công ty sa thải vì hành vi trộm cắp. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động 2012 có quy định “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Điều 29 Nghị định 05/2015/NĐ-CP có quy định về xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi như sau:

1. Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

2. Khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, vợ bạn đang mang thai, công ty áp dụng hình thức sa thải trong thời gian mang thai là trái với quy định của pháp luật. Vợ có thể bị xử lý kỷ luật nhưng phải sau thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Lúc đó, thời hiệu để xử lý kỷ luật có thể được kéo dài tối đa không quá 60 ngày. Vậy nên, vợ bạn có quyền khiếu nại với công ty về việc bị công ty sa thải khi đang mang thai.

Thứ hai, về vấn đề nếu vợ bạn thôi việc thì có được hưởng lương và thưởng không?

Trước hết, về lương, vợ bạn hoàn toàn được quyền hưởng lương với thời gian đã làm việc cho công ty. Việc sa thải của công ty chỉ là căn cứ chấm dưt hợp đồng lao động, không ảnh hưởng đến tiền lương quãng thời gian bạn đã làm việc.

Về vấn đề thưởng năm, việc vợ bạn có được hưởng khoản tiền thưởng năm hay không hoàn toàn phụ thuộc nội quy của công ty về vấn đề này. Luật không quy định cụ thể về vấn đề này. Nếu vợ bạn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được hưởng thưởng năm thì sẽ được hưởng.

Thứ ba, về trợ cấp thất nghiệp.

Điều 49 Luật Việc làm 2013 có quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm, đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Như vậy, nếu vợ bạn đáp ứng đủ điều kiện trên sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thư tư, về chế độ thai sản.

Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định điều kiện để lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Theo đó lao động nữ sinh con đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ đủ điều kiện hưởng.

Vậy nên, vợ bạn chỉ cần đáp ứng điều kiện trên thì dù không còn đi làm nữa cũng vẫn được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thứ năm, về vấn đề công ty từ chối gặp người nhà. Vấn đề này pháp luật không hề có quy định nên công ty không có nghĩa vụ buộc phải gặp người nhà của người lao động. Vấn đề phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ do hai bên giải quyết. Công ty từ chối gặp người nhà người lao động không trái với quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Sa thải lao động nữ mang thai và chế độ thai sản của người lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh