Nguyễn Ngọc Ánh

Quy định về lao động cao tuổi tiếp tục tham gia lao động

Hiện tôi đang làm việc tại quỹ tín dụng, tôi muốn hỏi một vấn đề sau: Tại nơi tôi làm trong điều lệ có Quy định độ tuôi làm việc của nữ không quá 60 và nam không quá 65 bây giờ có người trình bày nguyện vọng muốn xin ở lại làm việc thêm 02 nam nữa để đóng đủ bảo hiểm xã hội liệu có được không? Tôi muốn hỏi thêm là trong các quy định về độ tuôi lao động thì có áp dụng với tất cả các lao động không, trong doanh nghiêp thì có quy định cụ thể nào không?

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh/chị được tư vấn như sau:

 

Điều 167 Bộ luật lao động quy định việc sử dụng người lao động cao tuổi:

 

"1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.

 

2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

 

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

 

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc".

 

Căn cứ Khoản 1 Điều 167 Bộ luật lao động, nếu đơn vị đồng ý với người lao động tiếp tục kéo dài thời hạn hợp đồng thì các bên hoàn toàn có quyền tiếp tục quan hệ lao động. Đơn vị và phía người lao động có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III Luật này. Như vậy, theo BLLĐ thì không có giới hạn về tuổi của người lao động, cả lao động nam và nữ.

 

Tuy nhiên, ngoài các nguyên tắc chung khi sử dụng lao động theo Bộ luật thì đơn vị cần tuân thủ các quy định riêng khi sử dụng lao động cao tuổi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 167 nêu trên.

 

Khi tiếp tục quan hệ lao động, căn cứ Khoản 9 Điều 123, điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì đơn vị và người lao động tiếp tục có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngoài các khoản BHXH bắt buộc, đơn vị và NLĐ còn có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo Luật định.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

" 1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;...".

 

Điều 123. Quy định chuyển tiếp: "9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc".

 

Đối với vụ việc trên, nếu đã đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí thì ngoài phương án tiếp tục làm việc để đóng BHXH (nếu có sức khỏe tiếp tục làm việc), NLĐ còn có thể làm thủ tục để tham gia đóng BHXH tự nguyện một lần cho 02 năm còn thiếu.

 

Điều 8, Điều 9, Điều 10 Quyết định 959/QĐ – BHXH quy định về đối tượng tham gia, mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

 

Điều 8. Đối tượng tham gia: "Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc".

 

Điều 9. Mức đóng

 

"1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

 

2. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng".

 

Điều 10. Phương thức đóng

 

"1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

 

1.1. Đóng hằng tháng;

 

1.2. Đóng 3 tháng một lần;

 

1.3. Đóng 6 tháng một lần;

 

1.4. Đóng 12 tháng một lần;

 

1.5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định của Chính phủ;

 

1.6. Đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định của Chính phủ".

 

Anh/chị có thể hưởng dẫn cho NLĐ 02 phương án để lựa chọn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về lao động cao tuổi tiếp tục tham gia lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo