Trần Tuấn Hùng

Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh hưởng trợ cấp độc hại như thế nào?

Tư vấn về trường hợp nhân viên y tế đang được hưởng phụ cấp độc hại với mức hưởng hệ số là 0,2 nhưng trong quá trình làm việc lại được phân công làm công việc khác nhưng vẫn trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật như trước đây 1 buổi/tuần thì có được hưởng mức phụ cấp độc hại với hệ số là 0,2 không?

 

Nội dung câu hỏi: Em muốn xin tư vấn về vấn đề hưởng chế độ độc hại của nhân viên y tế. Hiện tại em công tác tại bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh và làm việc tại khoa Răng Hàm Mặt. Do sự phân công công việc theo hàng tháng nên vị trí và công việc của em có sự khác nhau. Khi làm việc tại khoa điều trị nội trú, em tham gia điều trị bệnh nhân sau phẫu thuật ca mổ loại I, II nên được hưởng hệ số độc hại 0,2. Khi đến tháng được phân công làm việc tại khu vực khám bệnh, em không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nữa. Nhưng trong thời gian đó em vẫn tham gia trực tại khoa điều trị nội trú, thông thường 1 buổi/tuần và trong tua trực vẫn phải chăm sóc điều trị bệnh nhân sau phãu thuật. Vậy em muốn hỏi luật sư liệu như vậy có được tính hệ số độc hại 0,2 không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về hệ số hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm của nhân viên y tế.

 

Điểm 2 Mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV quy định:

 

"2. Quy định áp dụng các mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

 

a) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

 

a1) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.

 

a2) Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

 

a3) Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.

 

a4) Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

 

b) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên."

 

Điểm b mục 1 Công văn 6608/BYT-TCCB phụ cấp độc hại nguy hiểm cán bộ viên chức ngành y tế:

 

"b) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với những người:

 

- Trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thu hở có mùi hôi thối ở các bệnh viện chuyên khoa hoặc ung thư của bệnh viện đa khoa;

 

- Trực tiếp khám, chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân da liễu (giang mai, lậu, sùi mào gà, trùng roi, nấm mốc, hạ cam, ghẻ);

 

- Trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân liệt do chấn thương cột sống, xuất huyết não, viêm màng não lao, viêm màng não mủ, viêm tủy;

 

- Trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân sau mổ (trong 48 giờ) thuộc ca mổ loại I, II; Bệnh nhân bỏng từ độ II trở lên và có diện tích bỏng 8% đối với trẻ em và 15% đối với người lớn;"

 

Theo Tiết b Điểm 2 Mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV và Điểm b Mục 1 Công văn 6608/BYT-TCCB, mức hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm với mức hưởng là 2 với hệ số 0,2 được áp dụng với người trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân sau mổ (trong 48 giờ) thuộc ca mổ loại I, II đồng thời công việc có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV. Trong trường hợp của bạn nếu bạn được phân công làm công viêc khác mà vẫn làm công việc trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân sau mổ (sau 48 giờ) thuộc ca mổ loại I,II 1 buổi/tuần thì công việc này vẫn được hưởng mức trợ cấp độc hại với hệ số bằng 0,2.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo