Hoàng Thị Kim Lý

Người sử dụng lao động ép người lao động viết đơn xin nghỉ việc

Trường phòng quy kết là làm việc riêng trong giờ cho 1 tổ chức khác. Trường phòng cùng bộ phận nhân sự ra quyết định sa thải đồng nghiệp của tôi đòng thời ép tôi phải xin nghỉ việc. Công ty thông báo vì tình cảm nên ép chúng tôi phải làm đơn xin nghỉ việc. Vì bức xúc chủng tôi đã làm đơn nghỉ việc với lý do không thể hợp tác với trưởng bộ phận thì được trưởng bộ phận yêu cầu sửa lại lý do, vì lý do này không được duyệt.


Chào Luật sư, Tôi bắt đầu làm việc cho 1 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ thang 8/2017 công việc ở vị trí nhân viên kinh doanh. trong quá trình làm việc, tôi và tập thể đồng nghiệp phòng sales có sử dụng skype để trao đổi thông tin với khách hàng, đồng thời 1 nhóm riêng trên skype để trao đổi thông tin và có bày tỏ chia sẽ những bức xúc cá nhân xoay quanh vấn đề công việc , đặc biệt là bức xúc với cách làm việc không phù hợp của trường phòng hiện tại. Đến ngày 11/1/2018  trưởng phòng yêu cầu niêm phong phòng sales và copy toàn bộ thông tin trên máy tính, đồng thời đăng nhập vào tài khoản cá nhân facebook, gmail, skype, zalo của tất cả mọi người để kiểm tra đồng thời truy xuất copy toàn bộ đoạn nói chuyện trao đổi trên skype, zalo và quy kết nhân viên  vào tội lạm dụng tài nguyên công ty, nói xâu đồng nghiệp, nói xấu trưởng phòng. sau đó cả trường phòng có họp với cả phòng sales vì muốn tiếp tục làm việc chúng tôi đã bày tỏ rõ những bức xúc trong thời gian qua và đồng ý bị kỷ luật bằng văn bản.  tuy nhiên đến ngày 15/1/2018 trưởng phòng cùng phòng nh6an sự yêu cầu sales họp riêng. sau đó trưởng phòng đưa ra các bằng chứng khi tôi lang thang trên cac trang mạng quá nhiều >> quy kết là đi tìm việc làm chỗ khác. tôi đã giải thích vì đi kiếm khách hàng và ko được chấp nhận. đồng nghiệp của tôi có tạo 1 account facebook lấy tên homestay nhà riêng của đồng nghiệp. khi đang nhập vào facebook đã sử dụng account này. trường phòng quy kết là làm việc riêng trong giờ cho 1 tổ chức khác. trường phòng cùng bộ phận nhân sự ra quyết định sa thải đồng nghiệp của tôi đòng thời ép tôi phải xin nghỉ việc. công ty thông báo vì tình cảm nên ép chúng tôi phải làm đơn xin nghỉ việc.  Vì bức xúc chủng tôi đã làm đơn nghỉ việc với lý do không thể hợp tác với trưởng bộ phận thì được trưởng bộ phận yêu cầu sửa lại lý do, vì lý do này không được duyệt và trưởng phòng không thích "vì bị ép nghỉ nên phải biết điều". Trước đó chúng tôi chưa từng nhận được 1 văn bản kỷ luật hay cảnh cáo nào. Vì không muốn làm việc với doanh nghiệp nữa nên chúng tôi đã làm theo yêu cầu viết đơn nghỉ việc theo lý do va trưởng bộ phận yêu cầu. Tuy nhiên điều đáng nói là trưởng phòng đã tung tin đồn nói rằng chúng tôi bị sa thải vì nhiều lần nói xấu công ty để chúng tôi không thể kiếm được việc làm bất kỳ chỗ nào khác sau  khi nghỉ việc. Nội dung mà chúng tôi trao đổi trên skype, zalo có sử 1 số từ ngữ quá khích về đối tượng bị nhắc đến, nhưng toàn bộ là sự thật và không xuyên tạc hoặc thêu dệt  thêm bất cứ điều gì. đây là ý kiến của 1 tập thể mọi người đều cám nhận đúng như vậy. chúng tôi làm việc cho doanh nghiệp từ tháng 8/2017 tuy nhiên doanh nghiệp trốn thuế, trốn bảo hiểm cũng không hề đóng bao hiêm cho nhân viên, tới tháng 1 /2018 mới ky hợp đồng lao động chính thức và đóng  bao hiểm, sau đó có yêu cầu chúng tôi ký bổ sung hợp đồng lao động thử việc từ thang 10 tới thang 12 2017. Trường hợp này theo luật sư tôi nên giải quyết thế nào? Xin cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hành vi đưa ra thông tin xúc phạm nhân viên của trưởng phòng công ty

 

Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

 

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

..."

Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

 

"Điều 155. Tội làm nhục người khác

 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

...

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

..."

Như vậy, theo thông tin bạn đưa ra, các nhân viên có thể tố cáo về hành vi của trưởng phòng: tung tin đồn nói rằng nhân viên bị sa thải vì nhiều lần nói xấu công ty để nhân viên không tìm kiếm được công việc khác. Tùy theo mức độ hậu quả mà có thể bị xử lý theo các quy định trên.

 

Thứ hai, về việc cho nhân viên thôi việc

 

Căn cứ Điều 38 và Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

 

"Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

 

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

 

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

 

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

 

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

 

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

 

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."

...

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

 

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

 

Về việc công ty cho nhân viên nghỉ việc với lý do thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, thì cần phải xem xét Công ty có ban hành quy chế làm việc hay không? Quy chế đó có xác định rõ như thế nào được coi là thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ hay không? Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:

 

"Điều 12. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

 

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại các Điểm a và c Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

 

1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

..."

Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp, trường phòng đã yêu cầu bạn tự viết đơn xin nghỉ việc. Đây là vấn đề thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do là thoả thuận nên bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý viết đơn xin thôi việc. Nếu bạn không tự nguyện viết đơn thì trưởng phòng chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bạn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 BLLĐ 2012.

 

Trong trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái với Điều 38 Bộ luật Lao động trên thì công ty phải có nghĩa vụ theo Điều 42 nêu trên. Nếu Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo quy định thì bạn có quyền làm đơn yêu cầu gửi đến Phòng lao động – thương binh và xã hội nơi công ty bạn đặt trụ sở hoặc Tòa án nơi Công ty có trụ sở để được giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

  

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo