Trần Phương Hà

Người sử dụng lao động chậm trả lương, chậm đóng bảo hiểm bị xử lý thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề người sử dụng lao động chậm trả lương cho người lao động, không trả lương cho những ngày người lao động làm vào ngày nghỉ lễ tết và chậm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động

 

Nội dung câu hỏi: Chào anh chị!Tôi đang làm việc tại một công ty cũng khá lớn, mỗi tháng công ty trừ lương của tôi 25.000 đồng cho kinh phí công đoàn. Nhưng ngoài việc bị thu tiền ra tôi không biết công đoàn cơ sở của công ty tôi ở chổ nào. Tôi tưởng chỉ có mình tôi nhưng nhân viên làm việc lâu năm cũng vậy. Tháng nào cũng thu tiền nhưng số tiền đó sử dụng cho việc gì thì ko hề tổng kết. Tôi làm việc gần 1 năm , sinh nhật tôi được nhận một cái card điện thoại mệnh giá 50.000. ngày 20/10 năm 2016 tôi nhận được 50.000 tiền mặt, cuối năm 1 thùng nước ngọt, ngoài ra ko còn gì hết, đám cưới nhân viên công đoàn cũng ko có đi, thậm chí tất niên cuối năm cũng không có làm, không có chính sách nghỉ mát hay du lịch hằng năm cho nhân viên.

Dạo gần đây BHXH có gửi 1 tờ đối chiếu quá trình đóng BHXH.  Theo hợp đồng của công ty ký kết với nhân viên là sau khi làm 6 tháng nhân viên sẽ ký hợp đồng vô thời hạn và đc công ty đóng các khỏan BHYT-BHXH-BHTN theo quy đinh của nhà nước. Có rất nhiều trường hợp thắc mắc về quá trình công ty đóng BH cho mình. Trong đó có một trường hơp: bạn này bắt đầu vào công ty làm từ tháng 11/2013. Ngày 29/5/2014  bạn ký hợp đồng vô thời hạn , trên hợp đồng cũng có ghi là chế độ BH theo quy định của pháp luật . Nhưng trên tờ đối chiếu đống BH thì chỉ mới đóng từ tháng 1/2015 cho đến tháng 12/2016 tổng 2 năm. Còn 7 tháng của năm 2014 thì không có đóng. Bạn lên phòng kế toán nhờ thống kê bản lương năm 2014 , thì chỉ được giải thích là hồi đó mua BH khó lắm không phải như bây giờ . Phải chờ quyêt định xét duyệt của ban quản lý thì mới được. Em không biết lời giải thích đó có hợp lý hay không? Nhưng không ai dám đến hỏi ban quản lý vì sợ nếu còn làm việc tại công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, mọi người điều chỉ biết im lặng vì miếng cơm manh áo. Đó chỉ là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp.

Ngoài ra, trên hợp đồng công ty có ghi rõ là lương hằng tháng sẽ đc trả từ ngày 15 đến ngày 20 nhưng từ khi tôi làm tại công ty đến nay lương chưa bao giờ trả đúng ngày . Từ ngày 24 trở đi thặm chí tháng 2 vừa qua đến ngày 29 thì công ty mới trả lương cho tháng 1. Công ty giữ lương của nhân viên tháng nào cũng 20 mấy ngày. Trên hợp đồng có mục : -Tiền thưởng: thưởng năm và thưởng tết theo thỏa ước lao động tập thể -Chế độ nghỉ ngơi(phép năm, lễ tết...)theo thỏa ươc lao động tập thể Nhưng hợp đồng không có mục nào giải thích cho thỏa ước tập thể đó là gì. Theo quy định của nhà nước những ngày lễ tết được nghỉ trong năm nếu nhân viên đi làm thì sẽ được nhân 3 cộng với tiền lương của ngày hôm đó nếu như vậy là đc 4 ngày lương. Nhưng công ty tôi chỉ nhân 2 ngoài ra không có gì thêm.

Trong đợt tết nguyên đán vừa qua, nhà nước quy đinh nghỉ 5 ngày , nhưng công ty tôi vẫn hoạt động tết nên phải đi làm. Nhưng 5 ngày đó chúng tôi không được nhân lương theo quy đinh. Mà thay vào đó, công ty tôi có 16 ngày vàng bao gồm 5 ngày nghỉ tết nếu như nhân viên nào làm đủ 16 ngày đó thì sẽ đc nhận lương căn bản* 1.5 thay cho thưởng tết. Còn nếu làm ko đủ 16 ngày đó cho dù có làm 5 ngày nghỉ tết đi nửa thì cũng chỉ được nhận lương như ngày bình thường. Không biết công ty tôi làm như vậy có đúng với pháp luật hay không?Rất mong sự giải đáp tắc mắc từ phía anh chị. Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề mức đóng chi phí công đoàn và việc sử dụng kinh phí công đoàn

 

Mức đóng kinh phí công đoàn quy định tại Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CPMức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội’’. Việc sử dụng kinh phí công đoàn không thuộc ngân sách nhà nước nước hỗ trợ sẽ do sự thỏa thuận trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động giữa anh và công ty

 

Thứ hai, về việc Công ty thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
 

Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là“Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;…”. Bên cạnh đó theo quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 6 Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động  có nghĩa vụ  "thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế".

 

Như vậy, việc Công ty chậm trễ thực nhiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho bạn và những người lao động khác là không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, với hành vi này Công ty bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

 

“2.Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

 

Bên cạnh đó công ty còn phải buộc  thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó là:

 

-Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng

 

- Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm

 

Thứ ba, về vấn đề chậm trả lương của công ty

 

Theo quy định tai Điều 91 Bộ luật lao động 2012Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.  Trường hợp đặc biệt ở đây là thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

 

Thứ tư, vấn đề không trả tiền lương làm thêm giờ cho anh vào những ngày nghỉ Tết

 

Theo Điều 97 Bộ luật lao động 2012 tiền lương làm thêm giờ được quy định "1.Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

 

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

 

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

 

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

 

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

 

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

 

 Việc công ty không trả lương đúng hạn  và không đúng đối với những ngày làm thêm là đã vi phạm quy định của pháp luật. Theo khoản 3, Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, công ty anh có thể bị xử lý như sau:

 

Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng vớvi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

 

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

 

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

 

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

 

4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

 

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

 

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

 

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

 

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

 

b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.

 

Tóm lại, như đã phân tích thì phía công ty đã có một số hành vi xâm phạm đến quyền của người lao động. Đối với hành vi xâm phạm đến quyền của người lao động (chậm đóng bảo hiểm, đóng sai mức bảo hiểm) thì trước hết anh cần khiếu nại đến tổ chức công đoàn cơ sở. Tổ chức công đoàn cơ sở sẽ thành lập Hội đồng hòa giải và tổ chức hòa giải, thương lượng với phía công ty.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc NSDLĐ chậm đóng, đóng sai bảo hiểm xã hội cho người lao động, trả lương không đúng thời hạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Trần Hà. - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo