Luật gia Nguyễn Nhung

Nên làm gì khi Công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động?

Nội dung tư vấn: Thưa Luật sư! Em nay 31 tuổi, em làm ở Công ty từ tháng 9 / 2013, đến tháng 2/ 2017 thì em thôi việc. Trong khoảng thời gian làm việc Công ty không hề ký hợp đồng hay đóng BH gì cho em hết.

 

Công ty có tên có mã số thuế hẳn hoi chứ ko phải tự phát và thời gian thành lập hoạt động của Công ty cũng gần 10 năm rồi.  Vậy mà từ đó tới giờ Công ty vẫn chưa hề có ký hợp đồng lao động với 1 công nhân nào.  Công ty có khoảng 60 công nhân. Vậy Luật Sư cho em hỏi có phải công ty này đang tránh luật hay không và em có được hưởng chế độ gì không? Và em muốn khiếu nại thì phải đến đâu để khiếu nại.  Nhưng em không muốn để Công ty biết em là người khiếu nại.  Rất mong nhận được phản hồi của luật sư.  Em xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc vi phạm pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội.

 

Theo Điều 18 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động như sau:

 

1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người”.

 

Đồng thời bạn thuộc đối tượng tại điểm a khoản 1 tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

 

“ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”

 

Thứ hai, về chế tài xử phạt đối với hành vi sai phạm của công ty.

 

Căn cứ quy định tại Nghị định số 88/2015/NĐ_CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP thì chế tài xử phạt đối với từng hành vi sai phạm của công ty như sau:

 

- Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động:

 

" Điều 5: Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động.

 

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."

 

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì công ty sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản c Điều này.

 

- Không đóng bảo hiểm cho người lao động:

 

" Điều 26: Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

...

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp."

 

Như vậy, công ty đã vi phạm pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội. Bạn có thể gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công ty theo quy định pháp luật về tố cáo.

 

Thứ ba, về quyền lợi được hưởng sau khi thôi việc.

 

Điều 48 Luật lao động 2012 có quy định về Trợ cấp thôi việc như sau:

 

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

 

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Vì công ty không đóng bảo hiểm cho bạn trong hơn 3 năm làm việc ( từ 9/2013 đến 2/2017), do đó việc tri trả khoản trợ cấp này do công ty toàn bộ chịu trách nhiệm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV  Phan Huyền – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo