Nguyễn Ngọc Ánh

Nam sinh ngày 13/03/1962 muốn nghỉ hưu trước tuổi cần điều kiện gì?

Tôi sinh vào ngày 13/3/1962, đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp nhà nước chốt sổ tại 2007 được 27 năm 2 tháng trong đó bao gồm thời gian làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia 4 năm. Hiện nay tôi đã nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và có giấy mời của hội giám định y khoa TPHCM vào ngày 14/1/2016, như vậy theo luật BHXH năm 2014 các quyền lợi của tôi sẽ được giải quyết như thế nào? Rất mong quý công ty giải đáp hộ xin chân thành cám ơn.



Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

Theo như anh trình bày, anh sinh ngày 13/03/1962. Vậy, tính tới thời điểm ngày 14/01/2016 anh đủ 53 tuổi và bước sang tuổi 54. Sổ BHXH của anh đã được chốt, và có tổng thời gian tham gia BHXH là 27 năm 2 tháng. Hiện anh nộp hồ sơ tới BHXH đề nghị hoàn tất thủ tục hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi.

Thứ nhất, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động của anh được quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật BHXH 2014 như sau:

“ 1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành”.


Vậy, theo quy định trên, anh chỉ cần đáp ứng điều kiện: “suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên”. Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động trên là kết quả của Hội đồng giám định y khoa nơi anh được BHXH giới thiệu.

Thứ hai, về mức hưởng lương hưu hàng tháng.

Điều 56 Luật BHXH 2014 quy định về mức lương hưu hằng tháng như sau:

“ 1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứngvới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”.


Do anh cung cấp chưa đủ thông tin về môi trường làm việc, cũng như tính chất  công việc nên chúng tôi sẽ chia hai trường hợp để tính mức hưởng lương hưu của anh.

Trường hợp 1: Anh có từ 15 năm trở lên làm công việc nặng nhọc, hoặc môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm theo danh mục của BYT thì mức hưởng lương hưu của anh là:
                       45% + (27 – 15) x 2 – 2% = 67% trung bình tiền lương, tiền công đóng BHXH.

Trường hợp 2: Anh làm việc trong môi trường bình thường, theo đó, mức hưởng lương hưu của anh như sau:

                        45% + (27 – 15) x 2 – 2x 6 = 57% trung bình tiền lương, tiền công đóng BHXH.

Cuối cùng, về trung bình tiền lương, tiền công đóng BHXH của anh sẽ là trung bình tiền lương trong 5 năm cuối trước khi anh nghỉ việc (60 tháng cuối trước khi anh nghỉ việc).

Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần như sau:

“ 1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a)    Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu”.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nam sinh ngày 13/03/1962 muốn nghỉ hưu trước tuổi cần điều kiện gì?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo