Hoàng Thị Kim Lý

Mức bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty và NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng

Luật sư tư vấn về trách nhiệm bồi thường khi người lao động theo hợp đồng có lỗi, gây thiệt hại cho tài sản, lợi ích của công ty. Vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động và các vấn đề pháp lý liên quan.

 

Câu hỏi tư vấn: Em là nhân viên công ty vận tải quốc tế. Tháng 6 vừa rồi em có nhận làm hàng cho 1 công ty xuất nhập khẩu và khách hàng này đã trốn nợ không thanh toán cho công ty em. (Vì tính chất công việc khi khách hàng yêu cầu kéo container tuyến xa thường công ty em sẽ cho xe lên trước sau đó mới làm hợp đồng, tuy nhiên khi cho xe cont từ HCM lên Daklak thì khách hàng bảo chưa đủ hàng,  giấy phép của Kiểm Lâm (công ty xuất khẩu gỗ) chưa xin được, đang giải quyết nên yêu cầu công ty em cho lưu xe ở đó. Vì công ty em cũng không có xe nên đã thuê vận chuyển thông qua 1 công ty khác, do xe lên chỉ được đứng ngoài đường chứ không được vô kho, sau khi gọi điện thoại nhiều lần khách hàng là chủ doanh nghiệp nhưng không nghe máy nên em đã yêu cầu cho xe về để đảm bảo an toàn cho tài xế vì xe cont to ở giữa đường như vậy rất nguy hiểm.).Sau đó em có tìm hiểu thì công ty này chuyên bán gỗ lậu và thường lừa đảo bạn hàng bắt bạn hàng đặt cọc khi xem gỗ nhưng khi giao thì tráo đổi gỗ và cũng thường xuyên trốn nợ. Sự việc xảy ra tổn thất 60 triệu đồng tiền vận chuyển xe cont và lưu xe, lưu cont từ HCM lên Daklak công ty em phải trả cho bên công ty mà bên em đã thuê dịch vụ. Công ty em mới thành lập hồi tháng 4/ 2016 nên sếp em là Giám Đốc công ty đã buộc em phải bồi thường, công ty chỉ chịu 30% là mức cao nhất công ty có thể chịu vì sếp nói công ty mới thành lập và em chịu 70%, sau tính toán thì em chịu số tiền là 40 triệu đồng. Khi làm ở công ty này em không phải là 1 nhân viên sales mà là nhân viên chứng từ nhưng trước đó ở công ty cũ em làm sales và cũng có kinh nghiệm sales nên em đã thỏa thuận với Giám Đốc em sẽ làm chứng từ sales thêm đem hàng về cho công ty. Lương em khi ký hợp đồng là 7 triệu. Bây giờ 1 tháng em phải trả cho công ty 4 triệu 1 tháng, trừ như vậy thật sự em không sống nổi ở đất SG này. Vì em bị trầm cảm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và hàng tháng phải chi trả tiền thuốc rất nhiều, em đã cố gắng đối diện để tiếp tục làm việc cho cty.  Tháng 9 vừa rồi em có kiêm thêm mảng Oversea cho công ty do nhân viên mảng này nghỉ ( giờ công ty có tuyển 1 người khác chưa có kinh nghiệm nhiều nên công việc chính em vẫn phải làm) việc nhiều và sức khỏe không tốt và em có hỏi GD mong muốn được tăng thêm lương để trang trải cuộc sống chứ tính chất công việc phải làm hết việc mới về và khuya em phải thức khuya làm việc với đại lý nước ngoài do lệch múi giờ để handle hàng nhưng sếp không đồng ý tăng lương nói em làm đến khi nào mà công ty cảm thấy không ai thay thế em được thì cty sẽ tăng lương.

Em muốn hỏi Luật Sư thiệt hại xảy ra như vậy thì mức chịu thiệt hại giữa em và công ty đã đúng chưa? Em có nghe rằng nếu thiệt hại vậy thì công ty chịu 50% và em 50%. Em xin nói thêm nếu em đem hàng về cho công ty thì bonus em chỉ được nhận là 20% trên tổng lợi nhuận đem về. Thật sự lương không đủ để em chi trả cuộc sống hàng ngày nhiều người khuyên em nên bỏ công ty đi qua công ty khác làm nhưng em ở lại chấp nhận nhưng thật sự em bị stress quá. Mong Quý Luật Sư tư vấn giúp em mức thiệt hại chính xác em phải chịu là bao nhiêu? Và nếu em nghỉ việc ở công ty thì liệu em có vi phạm luật lao động hay không? Rất mong nhận được sự phản hồi của Quý Luật Sư. Em xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Thứ nhất, về mức bồi thường thiệt hại.

 

Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định về bồi thường thiệt hại như sau:

 

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

 

Như vậy, trường hơp của bạn, cần xác định yếu tố lỗi trong việc gây ra thiệt hại với công ty. Không có quy định nào quy định khi có thiệt hại xảy ra người lao động và người sử dụng lao động chịu 50/50. Bồi thường như thế nào hoàn toàn do thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng trách nhiệm làm việc. Pháp luật chỉ khống chế mức bồi thường của người lao động trong trường hợp lỗi do sơ suất và thiệt hại không lớn quá 10 tháng lương tối thiểu vùng (khoảng 35.000 với vùng 1). Nếu hai bên có thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại thì thực hiện theo thỏa thuận của hai bên. Trường hợp không thỏa thuận thì thực hiện bồi thường theo lỗi của các bên khi gây thiệt hại. Bạn không nói rõ việc gây ra ra thiệt hại này hoàn toàn do lỗi của bạn hay là lỗi như thế nào nên rất khó để xác định. Bạn cần xem xét vấn đề này để thỏa thuận lại với công ty.

 

Tuy nhiên, cần lưu ý, mức khấu trừ tiền lương khi người lao động gây thiệt hại về tài sản của công ty bị khống chế tối đa 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập. Công ty trừ vào lương của bạn 4tr khi tổng lương chỉ có 7tt là trái quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, về đơn phương chấm dứt hợp đồng.

 

Bạn không cung cấp rõ hợp đồng của bạn là hợp đồng xác định thời hạn hay không xác định thời hạn nên bạn căn cứ vào Điều 37 Bộ luật lao động 2012 để chấm dứt hợp đồng. Cụ thể:

 

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

 

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

 

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

 

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

 

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

Như vậy, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi có lý do và tuân thủ thời gian báo trước. Với hợp đồng không xác định thời hạn thì không cần lý do, chỉ cần tuân thủ thời gian báo trước. Khi tuân thủ điều kiện trên, bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng, bạn vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện hết khoản bồi thường còn nợ đọng đối với công ty bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Mức bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty và NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo