LS Vũ Thảo

Kế toán có hành vi gây thất thoát tài sản cơ quan thì bị xử lý như thế nào?

Kính chào luật sư: rất cảm ơn LS đã trả lời cho tôi các thắc mắc. Hiện nay tôi đang có 1 vấn đề liên quan đến cán bộ muốn LS trả lời giúp tôi, vì có liên quan đến tài chính mà trường hợp này tôi chưa gặp mà cũng chưa biết xử lý như thế nào. Ở Kho bạc nhà nước huyện có 01 đồng chí làm Kế toán viên được phân công nhiệm vụ là thu phạt an toàn giao thông, theo quy trình nghiệp vụ thì khi có khách hàng đến nộp phạt thì cán bộ này nhận quyết định của công an sau đó nhập vào chương trình in ra giấy đã

Tuy nhiên trong quá trình làm việc do quen đồng chí cán bộ công an thường xuyên đến nộp phạt, mà đ/c công an này cũng gần nhà cán bộ kho bạc lên thường xuyên gửi quyết định phạt và tiền cho đồng chí cán bộ kho bạc. Đ/c cán bộ này khi nhận tiền và quyết định nộp phạt vẫn nhập vào chương trình và lập biên lai thủ công không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ quy định là lập trên chương trình TCS. Lợi dụng việc được giao quản lý con dấu treo kế toán để vi phạm, lập biên lai thủ công bằng cách lập sẵn 02 biên lai có đóng dấu treo ( kế toán) và có in ra hóa đơn đã thu tiền, nhưng không nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước, lợi dụng lúc cán bộ thủ quỹ đi ngân hàng, cán bộ này đã lấy con dấu (đã thu tiền) và đóng vào biên lai trả cho khách.

Sự việc này diễn ra từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018 thì bị phát hiện với tổng số tiền là 32.308.975 đồng. Sau khi phát hiện sự việc cán bộ này đã nộp lại số tiền trên. Sự việc xẩy ra làm liên quan đến rất nhiều người trong đó có 02 kế toán trưởng của đơn vị, theo quy trình thì kế toán trưởng kiểm soát toàn bộ các món đi đến của đơn vị nhưng do khi lập lệnh trên chương trình in song ra hóa đơn đ.c cán bộ này lại xóa lệnh đi, nên kế toán trưởng không thể kiểm soát hết được. HIện nay tôi đang xem các văn bản thì đc này vi phạm như sau: 1. Lợi dụng vị trí công tác cố ý làm trái pháp luật . 2. Cố ý chiếm đoạt tài sản Nhà nước mà mình có trách nhiệm quản lý với mục đích vụ lợi 3. Làm giấy tờ giả, giả mạo chứ ký 4. Lạm dụng quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến cộng vụ để vụ lợi. Với các tội trên thì áp vào hình thức kỷ luật là Buộc thôi việc. Tôi xin hỏi đối với đồng chí cán bộ kế toán có hành vi như vậy thì được quy vào tội gì và xử lý kỷ luật như thế nào.

 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

 

- Thứ nhất, về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của nhân viên kế toán:

 

Theo những gì bạn cung cấp thì việc làm của kế toán lợi dụng việc được giao quản lý con dấu để nhận tiền, lập biên lai thủ công không đúng quy trình nghiệp vụ, lợi dụng thủ quỹ đi vắng để lấy con dấu của thủ quỹ đóng vào biên lai trả cho khách và không nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước. Để xác định hành vi của người này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phải căn cứ theo Điều 353 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội tham ô tài sản. Cụ thể:

 

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

 

Theo đó, cấu thành tội tham ô được xác định:

 

- Chủ thể thực hiện tội phạm: là chủ thể đặc biệt, tức là những người có chức vụ, quyền hạn và phải là người có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt.

 

- Khách thể của tội phạm: Xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.

 

- Lỗi: cố ý trực tiếp với mục đích tư lợi

 

- Mặt khách quan của tội phạm:

 

+ Hành vi khách quan: Hành vi phạm tội tham ô trước hết phải là hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là những tài sản mà người phạm tội được giao quản lí. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lí tài sản được giao, chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lí. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lí tài sản này có thể khác nhau nhưng thực chất đều là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể dễ dàng biến tài sản được giao thành tài sản của mình.

 

Hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có trường hợp người phạm tội tự chuyển dịch tài sản như: Thủ quỹ tự lấy tiền trong két, thủ kho tự lấy tài sản trong kho đem bán... Cũng có trường hợp việc chuyển dịch lại do người khác thực hiện theo lệnh của người phạm tội như: Giám đốc lệnh cho thủ quỹ đưa tiền cho mình; kê toán lập phiếu thu, phiếu chi, chuyển khoản theo lệnh của người phạm tội.

 

+ Hậu quả: những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

 

Vậy trong trường hợp này, nếu đủ các yếu tố nêu trên, người kế toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 353 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Và nếu chứng minh được hành vi của người đó là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá 32.308.975 đồng thì người này bị truy cứu theo Khoản 1 Điều 353 Tội tham ô tài sản.

 

- Thứ hai, về xử lý kỷ luật:

 

Việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nào phụ thuộc vào nhân viên kế toán đó là người lao động hay viên chức, công chức. Tùy vào trường hợp cụ thể mà có các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng. Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên có các trường hợp có thể xảy ra như sau:

 

+ Trường hợp người kế toán đó là viên chức thì việc xử lý kỷ luật được áp dụng theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP. Cụ thể Điều 9 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật viên chức:

 

“Viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:

 

a) Khiển trách;

 

b) Cảnh cáo;

 

c) Buộc thôi việc.”

 

Và Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

 

“1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

 

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

 

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

 

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

 

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

 

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.”

 

Đối chiếu với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp thì người kế toán đã không tuân thủ quy trình gây hậu quả thất thoát tài sản trị giá 32.308.975 đồng thì có thể áp dụng hình thức buộc thôi việc theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP nếu người này bị phạt tù về tội tham nhũng tài sản; hoặc buộc thôi việc theo Khoản 2 Điều 13 nếu chứng minh được người này không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến cơ quan.

 

+ Trường hợp nhân viên kế toán là công chức thì cơ quan có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo Điều 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP. Cụ thể, cơ quan được áp dụng hình thức buộc thôi việc kế toán đó nếu hành vi của người này vi phạm một trong các trường hợp sau:

 

"Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

 

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;

 

2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

 

3. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

 

4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;

 

5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức."

 

+ Trường hợp nhân viên kế toán là người lao động thì cơ quan có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ thuật sa thải theo Điều 126 Bộ luật lao động 2012. Cụ thể:

 

“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;…”

 

Theo đó, nếu cơ quan chứng minh được người này có hành vi tham ô thì có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Việc sa thải người này phải đảm bảo nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vũ Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn