Luật sư Phùng Gái

Hưởng đồng thời lương hưu và trợ cấp mất sức lao động?

Xin chào Công ty Luật Minh Gia! Tôi xin được công ty tư vấn về trường hợp của tôi như sau: Trước đây tôi làm việc cho một Nông trường quốc doanh sau đó tôi được nghỉ mất sức lao động và hưởng trợ cấp mất sức lao động từ tháng 9/1993 cho đến nay. Năm 1997 tôi thấy đủ khả năng lao động nên ứng tuyển vào 1 công ty liên doanh với nước ngoài và trúng tuyển. Tôi tham gia đóng BHXH từ tháng 3/1997. Đến tháng 2/2009 tôi chuyển về 1 công ty cổ phần và vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm đến tháng 9/2015. Đến nay tôi tròn 60 tuổi và thời gian đóng BHXH liên tục là 18 năm 6 tháng. Tôi có thể tiếp tục đóng BHXH hình thức tự nguyện thêm 18 tháng nữa để đủ 20 năm và để hưởng lương hưu hay không? Nếu được nhận lương hưu tôi có tiếp được nhận trợ cấp mất sức không? Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, đối với chế độ hưu trí

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng lương hưu. Cụ thể:

Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

Như vậy, bác đủ điều kiện về độ tuổi nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nên chưa thể hưởng chế độ hưu trí được. Tuy nhiên,  khoản 2, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể:

Điều 9. Phương thức đóng

Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Đóng hằng tháng;

b) Đóng 03 tháng một lần;

c) Đóng 06 tháng một lần;

d) Đóng 12 tháng một lần;

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.

Theo đó, bác hoàn toàn có thể tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện với phương thức đóng một lần (tức là đóng một lần cho 18 tháng để tròn 20 năm tham gia bảo hiểm) sau đó làm thủ tục để hưởng chế độ hưu trí với mức đóng như sau:

Mức đóng BHXH tự nguyện được quy định như sau:

Điều 10. Mức đóng

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và theo phương thức đóng tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được quy định như sau:

4. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Thứ hai, về việc hưởng tiếp trợ cấp mất sức lao động

Điều 37 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

“1. Người lao động có đủ điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian công tác đã được tính hưởng trợ cấp mất sức lao động) quy định tại Điều 24 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, việc giải quyết được hướng dẫn như sau:

a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được hưởng một chế độ có mức hưởng cao hơn. Trường hợp mức lương hưu cao hơn thì được giải quyết hưởng lương hưu, dừng hưởng trợ cấp hằng tháng kể từ tháng hưởng lương hưu.

Trường hợp mức hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg cao hơn lương hưu thì tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng. Thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian công tác đã được tính hưởng trợ cấp mất sức lao động) được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội, Điều 8 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 19 của Thông tư này.

b) Người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, nếu có nguyện vọng thì được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu với mức cao hơn.

Trường hợp không có nguyện vọng đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện thì tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng và giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian công tác đã được tính hưởng trợ cấp mất sức lao động) thì được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này để giải quyết.”

Đối chiếu vào trường hợp của chú, chú có thời gian tham gia BHXH bắt buộc là 18 năm 06 tháng. Nếu trong trường hợp chú có nguyện vọng đóng tiếp BHXH tự nguyện đến đủ 20 năm để hưởng lương hưu thì vẫn được giải quyết chế độ hưu trí theo những phân tích ở phần trên. Tuy nhiên, theo quy định nêu trên, khi chú được giải quyết chế độ hưu trí (do mức lương hưu cao hơn) thì bị dừng hưởng trợ cấp mất sức lao động.

Trân trọng!

CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo