LS Hồng Nhung

Hỏi về chế độ trợ cấp sau khi xuất ngũ

Tên tôi là Nguyễn V T sinh năm 1962. Tôi thoát ly đi học trường Công nghệ kỹ thuật xây dựng năm 1979 đến năm 1981 ra trường và công tác tại công ty xây dựng. Cho đến năm 1985 theo yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước tôi tham gia nhập ngũ đóng quân tại lữ đoàn X.

 

Hỏi: Cho đến năm 1987 tôi xuất ngũ và trở về cơ quan công ty xây dựng số 4 tiếp tục công tác. Đến năm 1991 cơ quan không có việc làm cho nghỉ tự túc. Đến năm 1992 công ty có việc gọi tôi về tiếp tục công tác xong vì tôi đang dở một số công trình đã nhận, vì thế chưa quay lại được. Như vậy công ty báo đuổi việc tôi (nhưng không thanh toán và trả hồ sơ cho tôi). Đến nay tôi lên công ty để đòi lại hồ sơ gốc thì công ty báo không còn đã mất. Như vậy tôi có được hưởng chế độ công tác từ năm 1981 đến năm 1992 hay không? Và chế độ được hưởng về bộ đội xuất ngũ tôi có được hưởng không? Nếu được hưởng tôi phải làm thủ tục như thế nào?

 

Trả lời: Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty, trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:

 

Khoản 4 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định:

 

Xuất ngũ là việc hạ sĩ quan, binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.

 

Khoản 3 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự:

 

Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ:

 

a) Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;

 

...

 

c) Được trợ cấp tạo việc làm;

 

...

 

đ) Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật;

 

e) Được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

 

g) Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 của Luật này, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

 

Cụ thể theo Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ quy định:

 

1. Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ; từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở; từ trên 06 tháng trở lên đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.

 

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

 

3. Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ.

 

4. Hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.

 

Trước khi nhập ngũ bác công tác tại công ty xây dựng, hay nói cách khác là tổ chức kinh tế. Vì vậy đối với trường hợp tại Điểm đ Khoản 3 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự thì “Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành; cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành (Khoản 3 Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP).

 

Như vậy để nhận trợ cấp của từng trường hợp bác có thể đến địa điểm cụ thể mà luật quy định để hưởng chế độ sau khi xuất ngũ. Khi đi bác mang theo Giấy tờ cá nhân (Chứng minh thư, Sổ hộ khẩu,...), cũng như Giấy tờ chứng minh bác từng phục vụ trong quân đội.

 

Ngoài ra bác hoàn toàn được hưởng các chế độ phù hợp theo quy định của pháp luật về lao động cũng như bảo hiểm xã hội, việc làm đối với thời gian công tác tại công ty xây dựng từ năm 1981 đến năm 1992, kể cả trong trường hợp bác bị sa thải. Việc công ty không trả thanh toán cũng như không trả hồ sơ đầy đủ lại cho bác, bác có thể thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án theo Bộ luật tố tụng dân sự 2004 để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bản thân.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về chế độ trợ cấp sau khi xuất ngũ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Quách Vũ Ngọc Hà - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo