Nguyễn Ngọc Ánh

Hỏi về căn cứ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc

Kính gửi công ty luật Minh Gia,Tôi viết thư này xin được tư vấn về trường hợp của tôi như sau:

 

Nội dung yêu cầu: Tôi là du học sinh đang học khóa tiến sĩ 4 năm tại Úc theo học bổng của chính phủ Vietnam. theo quyết định cử đi học thì khóa học tiến sĩ của tôi sẽ hết hạn vào tháng 7/2016. Nhưng do hoàn cảnh cá nhân nên tôi được cơ sở đào tạo úc cho tạm nghỉ 1 năm. Tôi viết đơn xin gia hạn và gửi về Trường ĐH nơi tôi công tác vào tháng 9/2016, nhưng ko được chấp nhận và Trường ĐH đã ra quyết định buộc thôi việc đối với tôi, trong khi cá nhân tôi ko nhận được bất cứ thông báo nào. (đấy là tôi nghe đồng nghiệp kể lại khi họ đi họp với trường).Tôi xin hỏi như sau:1/Việc trường ĐH ra quyết định buộc thôi việc đối với tôi nhưu vậy là đúng luật lao động hay sai?2/ Nếu ĐH ra quyết định thôi việc đúng với luật lao động thì tôi phải làm thể nào để có thể đóng tiếp BHXH cho việc hưởng lương hưu sau này. (tôi đã công tác và đóng BHXH được 20 năm từ 1996-2016) Rất mong sớm nhận được sự tư vấn của công ty luật Minh gia. Cám ơn sự giúp đỡ của công ty.

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của chị được tư vấn như sau:


1/Việc trường ĐH ra quyết định buộc thôi việc đối với tôi như vậy là đúng luật lao động hay sai?


Điều 2 Luật viên chức 2010 định nghĩa: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.


Trước khi bị áp dụng hình thức kỷ luật thôi việc, anh/chị công tác tại một đơn vị sự nghiệp công lập công lập (trường đại học công lập) nên áp dụng các quy định tại Luật viên chức 2010 và các văn bản hướng dẫn để giải quyết vụ việc trên.

 

Thứ nhất, căn cứ áp dụng xử lý kỷ luật đối với viên chức được quy định tại Điều 52 Luật viên chức, Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP.


Điều 52. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức

 

“1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

 

a) Khiển trách;

 

b) Cảnh cáo;

 

c) Cách chức;

 

d) Buộc thôi việc.

 

2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

4. Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.

 

5. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức”.


Điều 13. Buộc thôi việc


"Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:


1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;


2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;


3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;


4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;


5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;


6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức”.


Chiểu theo quy định trên, trường hợp viên chức có một trong các hành vi vi phạm kỷ luật nêu tại Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ – CP thì sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc.


Chị có trình bày, do bận việc cá nhân nên lịch đào tạo tiến sĩ tại Úc kéo dài thêm 01 năm. Chị có viết đơn xin gia hạn thời gian đi học tại nước ngoài nhưng không được cơ quan, đơn vị nơi công tác đồng ý. Tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ – CP có quy định hành vi tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch làm căn cứ để xem xét áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc.


Vậy, nếu có đủ chứng cứ chứng minh anh/chị vi phạm quy định nêu trên thì trường ĐH có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với chị.

Thứ hai, về trình tự xử lý kỷ luật đối với viên chức.


Căn cứ áp dụng trình tự xử lý kỷ luật đối với viên chức được quy định từ Điều 15 tới Điều 19 Nghị định 27/2012/NĐ – CP.


Điều 15. Tổ chức họp kiểm điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật


"1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận thức kỷ luật, trừ trường hợp viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng. Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:


a) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có đơn vị cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành mà viên chức đang công tác. Biên bản cuộc họp kiểm điểm ở đơn vị cấu thành được gửi tới người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức. Cuộc họp kiểm điểm của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có hành vi vi phạm pháp luật được tổ chức với thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo chính quyền, cấp ủy và công đoàn của đơn vị;


b) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức không có đơn vị cấu thành, thành phần dự họp kiểm điểm viên chức vi phạm là toàn thể viên chức của đơn vị.


2. Đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.


3. Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật phải làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản kiểm điểm thì cuộc họp kiểm điểm viên chức vi phạm vẫn được tiến hành.


4. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm được gửi tới Chủ tịch Hội đồng kỷ luật để tổ chức xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định này".

 

Điều 18. Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật


"1. Chuẩn bị họp:


a) Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi tới viên chức có hành vi vi phạm pháp luật. Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập thì đến lần thứ 03 sau khi gửi giấy triệu tập, nếu viên chức đó vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật;


b) Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị có viên chức vi phạm kỷ luật dự họp. Người được mời dự họp có quyền phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được bỏ phiếu về hình thức kỷ luật;


c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc xử lý kỷ luật, ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật;


d) Hồ sơ xử lý kỷ luật trình Hội đồng kỷ luật gồm: bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, biên bản cuộc họp kiểm điểm viên chức và các tài liệu khác có liên quan.


2. Trình tự họp:


a) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự;


b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan;


c) Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật đọc bản tự kiểm điểm, nếu viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay, nếu viên chức có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại khoản này;


d) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm;


đ) Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người tham dự cuộc họp thảo luận và phát biểu ý kiến;


e) Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật phát biểu ý kiến; nếu viên chức có hành vi vi phạm pháp luật không phát biểu ý kiến hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại khoản này;


g) Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật;


h) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp;


i) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật và ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật có trách nhiệm ký biên bản của cuộc họp.


3. Trường hợp có từ 02 viên chức trở lên trong cùng đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật thì Hội đồng kỷ luật họp để tiến hành xem xét xử lý kỷ luật đối với từng viên chức".

 

Theo quy định của pháp luật, trước khi tiến hành họp xử lý kỷ luật đối với viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm viên chức có hành vi vi phạm để viên chức có hành vi vi phạm tự kiểm điểm và thừa nhận hành vi trái pháp của luật của mình. Quá trình họp được lập thành biên bản và gửi Hội đồng kỷ luật kèm theo bản tự kiểm điểm của viên chức.


Hơn nữa, trước khi Hội đồng kỷ luật họp kỷ luật viên chức 03 ngày bắt buộc phải gửi văn bản triệu tập viên chức có hành vi vi phạm để có mặt tại phiên họp. Trường hợp viên chức không được triệu tập hợp lệ đến phiên họp được xác định là vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục họp xử lý kỷ luật; và có căn cứ yêu cầu tuyên hủy quyết định buộc thôi việc.


Chị trình bày không nhận được bất kỳ giấy tờ triệu tập tới phiên họp xử lý kỷ luật cũng như quyết định xử lý kỷ luật (làm căn cứ thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính) nên anh/chị cần xác minh lại thông tin đồng nghiệp cung cấp. Trường hợp thông tin chính xác, có căn cứ thì chị có quyền tiến hành các thủ tục kiến nghị, khiếu nại hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.


Lưu ý: Do thông tin đơn vị công tác chưa rõ nên chúng tôi mặc định trường ĐH là đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp anh/chị công tác tại trường ĐH tư, làm việc thông qua hợp đồng lao động thì anh/chị tham khảo tại bài viết: 


Nguyên tắc, trình tự xử lý kỉ luật sa thải 


2/ Nếu ĐH ra quyết định thôi việc đúng với luật lao động thì tôi phải làm thể nào để có thể đóng tiếp BHXH cho việc hưởng lương hưu sau này.


Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng:


"...
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.


Điều 3. Giải thích từ ngữ


"Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:


...3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất".


Trường hợp không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà có như cầu tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì chị có thể liên hệ trực tiếp tới BHXH quận, huyện nơi cư trú để được hưởng dẫn và làm các thủ tục đóng BHXH tự nguyện.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về căn cứ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv. Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn