Hoàng Thị Nhàn

Hỏi luật sư về trường hợp rút BHXH và BHTN khi đi du học

Nội dung yêu cầu: Kính chào văn phòng luật sư Minh Gia,Tôi tên B, hiện là nhân viên IT. Tôi đã đăng ký du học mỹ, và sẽ nhập học vào 25/10/2016. Hợp đồng lao động hiện tại của mình sẽ kết thúc vào 30/09/2016. Tôi đã đóng bảo hiểm xã hổi và BHTN từ năm 2010. Vậy xin luật sư cho biết là tôi có rút bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp được không. Xin luật sư cho biết là làm cách nào tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của mình, Cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 60 Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về bảo hiểm xã hội một lần:

 

"1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Ra nước ngoài để định cư;

 

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

 

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

 

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

 

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội".

 

Điều 109 Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần:

 

"1. Sổ bảo hiểm xã hội.

 

2. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

 

3. Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

 

a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

 

b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

 

c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp".

 

Điều 61 Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội: "Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội".

 

Khoản 4 Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính tháng lẻ: 

 

4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

 

Trường hợp tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.”

 

Chiểu theo quy định của pháp luật, trường hợp NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc ra nước ngoài để định cư; có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 109 Luật BHXH 2014 đủ điều kiện để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trường hợp ra nước ngoài để học tập, muốn rút BHXH thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 109 và một trong các giấy tờ theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

 

Trường hợp không đủ điều kiện hưởng BHXH một lần tại khoản 1 điều 60 Luật BHXH 2014 thì thời gian đã đóng BHXH bắt buộc trước đây được bảo lưu.

 

Vấn đề hưởng trợ cấp thất nghiệp:

 

Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:

 

"Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

 

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng".

 

Điều 53 Luật việc làm 2013 quy định về tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:

 

"3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

4. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm h khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.

 

Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp".

 

Theo quy định trên, khi bạn đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên hoặc ra nước ngoài định cư thì bạn sẽ không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp bạn đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên mà không phải ra nước ngoài để định cư thì được bảo lưu thời gian đóng BHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi luật sư về trường hợp rút BHXH và BHTN khi đi du học. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lê Minh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh