LS Thanh Hương

Giáo viên tiểu học có đủ điều kiện chuyển sang vị trí giáo viên mầm non?

Luật sư tư vấn trường hợp giáo viên tiểu học đang mang thai nhưng bị chuyển vị trí làm việc sang giáo viên mầm non. Tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh giáo viên mầm non theo quy định của luật và những vấn đề pháp lý liên quan.

 

Chào luật sư!Tôi đang có vấn đề sau rất mong sự giải đáp của luật sư. Tôi là giáo viên của trường tiểu học và đang theo học lớp liên thông đại học Giáo dục tiểu học. Hiện nay phòng giáo dục có đưa danh sách  giáo viên nữ dưới 35 tuổi qua dạy Mầm non. Tôi trong số đó nhưng đang mang thai và có con nhỏ dưới 36 tháng. Vậy luật sư cho hỏi,  nếu người mang thai mà bị bắt buộc chuyển qua công việc khác không đúng chuyện ngành đào  tạo  có vi phạm luật không? Việc chuyển giáo viên tiểu học qua dạy mầm non sau khi học lớp bồi dưỡng mầm non chỉ 4 tháng đúng k? Rất mong sự phản hồi sớm cua luật sư!!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Theo thông tin bạn gửi tới thì không nói rõ bạn là công chức hay viên chức, vì vậy chúng tôi sẽ chia từng trường hợp cụ thể cho loại hợp đồng của bạn để giải quyết vấn đề này.

 

Nếu bạn là viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc, vấn đề của bạn được điều chỉnh bởi quy định tại Điều 32 – Luật Viên chức 2010 như sau:

 

Điều 32. Thay đổi vị trí việc làm

 

1. Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.

 

2. Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

 

3. Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này.

 

Như vậy, phòng giáo dục chỉ được thay đổi vị trí làm việc của bạn nếu bạn có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí giáo viên mầm non.

 

Tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên mầm non được quy định tại Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Điều 3 Thông tư này có quy định về Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non như sau:

 

Điều 3. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp

 

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

 

2. Quý trẻ, yêu nghề; kiên nhẫn, biết tự kiềm chế; có tinh thần trách nhiệm cao; có kiến thức, kỹ năng cần thiết; có khả năng sư phạm khéo léo.

 

3. Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp.

 

4. Các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khác của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục và Luật Viên chức.

 

Theo thông tư này, chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên mầm non được phân làm 4 hạng: hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV. Trong đó, với hạng IV cần ít nhất đạt được các điều kiện sau:

 

Điều 6. Giáo viên mầm non hạng IV - Mã số: V.07.02.06

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng:

 

a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên;

 

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

 

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

 

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

 

a) Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, các quy định và yêu cầu của Đảng, Nhà nước, ngành và địa phương về giáo dục mầm non;

 

b) Thực hiện đúng chương trình giáo dục mầm non;

 

c) Biết phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ;

 

d) Biết quản lý, sử dụng, bảo quản và giữ gìn có hiệu quả tài sản cơ sở vật chất, thiết bị của nhóm/lớp, trường.

 

Theo đó, ít nhất bạn phải có những trình độ trên thì mới được coi là đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bạn tham gia khóa học đào tạo giáo viên mầm non kéo dài 4 tháng, chúng tôi không thể xác định nội dung và kết quả của khóa học, nhưng chung quy bạn vẫn phải đảm bảo những tiêu chuẩn tại Điều 6 - Thông tư 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì mới được công nhận tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non loại IV theo quy định của pháp luật.

 

Nếu đủ điều kiện để đảm nhiệm chức danh giáo viên mầm non, giữa cơ quan và bạn phải thực hiện việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật viên chức về thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc và bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp.

 

Luật Viên chức có quy định không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Nhưng biệt phái được hiểu là cử bạn đi làm việc tại cơ quan, tổ chức khác. Hiện tại, trường hợp của bạn được coi là thay đổi vị trí việc làm (vẫn làm việc tại cơ quan đó) nên không bị hạn chế bởi việc đang mang thai.

 

Trong trường hợp bạn làm việc với tư cách người lao động, có ký kết hợp đồng lao động với cơ quan đó thì việc chuyển bạn đi làm vị trí khác được thực hiện theo quy định tại Điều 31 – Bộ luật Lao động 2012:

 

Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

 

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

 

Như vậy, nếu bạn là người lao động, thì đơn vị chỉ được điều chuyển bạn đi làm công việc khác với công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động nếu thuộc các trường hợp: gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Và thời gian điều chuyển sẽ không vượt quá 60 ngày nếu bạn không đồng ý tiếp tục thực hiện công việc mới.

 

Khi mang thai, bạn được hưởng những chế độ bảo vệ thai sản đối với lao động nữ tại Điều 155 – Bộ luật Lao động 2012:

 

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

 

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

 

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

 

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

 

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

 

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

 

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

 

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

Như vậy, để giải quyết vấn đề cơ quan có quyền chuyển đổi vị trí làm việc của bạn hay không cần xem xét lại trước hết bạn đang là công chức hay người lao động, đang thực hiện công việc theo hợp làm việc hay hợp đồng lao động. Tiếp theo, dựa trên quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV để xác định điều kiện đảm nhiệm chức danh giáo viên mầm non của bạn. Vấn đề mang thai không ảnh hưởng đến quyền điều chuyển vị trí làm việc hay yêu cầu bạn làm công việc khác so với hợp đồng, trừ trường hợp đó là công việc nặng nhọc và bạn bị yêu cầu làm thêm giờ, đi công tác xa,...

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Bùi Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo