Hoàng Thị Nhàn

Giải quyết chế độ ốm đau khi người lao động nghỉ ốm

Tôi là giáo viên trường tiểu học. Tôi bị ốm phải vào viện điều trị 3 ngày, sau khi ra viện tôi có giấy xác nhận ốm đau của bệnh viện.Tôi cầm giấy này đến cơ quan bảo hiểm xã hội để nhờ thanh toán số ngày nghỉ bảo hiểm nhưng kế toán chỉ thanh toán cho tôi ngày thứ 2. Bên cạnh đó, nhà trường đã trừ lương 3 ngày của tôi. Xin hỏi: việc làm của cơ quan bảo hiểm và nhà trường là đúng hay sai?

 

Nội dung tư vấn: Tôi là giáo viên dạy bộ môn chuyên tại trường tiểu học luật sư làm ơn cho tôi hỏi? Tôi bị ốm phải vào viện điều trị 3 ngày,  đó là ngày thứ 7 chủ nhật và thứ 2 ( trong khi đó ngày thứ 7 và chủ nhật là ngày nghỉ theo quy định chung)  sau khi điều trị 3 ngày tôi ra viện ( có bảo hiểm) nhà trường đã trừ lương tôi 3 ngày với số tiền lương là hơn 600k ( lương cao đẳng 3,03)Sau khi đó tôi đã cầm giấy ra viện về để thanh toán số ngày nghỉ bảo hiểm thì đến nay vẫn chưa được thanh toán, khi tôi hỏi thì kế toán trả lời vì bên bảo hiểm không chịu thanh toán cho tôi vào ngày thứ 7 và chủ nhật mà chi thanh toán một ngày thứ 2 như vậy đúng hay sai? Nếu bảo hiểm không chịu thanh toán tiền lương số nghỉ ốm cho tôi như quy định, thì nhà trường có hoàn trả tôi số tiền lương hai ngày nghỉ vào thứ 7 chủ nhật không?  Tôi rất mong sự hồi âm của luật sư!  Tôi cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại khoản 1điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

 

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

…c, Cán bộ, công chức, viên chức.

 

Bạn là giáo viên làm việc trong trường học nên bạn là viên chức nhà nước làm việc theo hợp đồng lao động nên bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy bạn sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.

 

Theo quy định tại điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

 

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

 

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;..."

 

Như vậy, thời gian hưởng chế độ ốm đau sẽ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần, theo thông tin bạn cung cấp là thứ 7 và chủ nhật theo quy định chung, nên, thời gian bạn được hưởng chế độ ốm đau là 30 ngày nếu đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, 40 ngày nếu đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đóng từ đủ 30 năm trở lên.

 

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 điều 4 thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH:

 

1.Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm quy định tại khoản 1 điều 26 Luật bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

 

Vì vậy, khi có xác nhận ốm đau từ cơ sở y tế nơi bạn điều trị thì bạn làm hồ sơ giải quyết quyền lợi lên cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết. Nhưng bảo hiểm chỉ chi trả mức hưởng ốm đau của bạn dựa trên số ngày làm việc mà nghỉ ốm không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần. Nên việc cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chi trả cho bạn vào thứ 2 là đúng.

 

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 điều 186 Bộ luật lao động năm 2012:

 

2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động.”

 

Theo đó, đối với trường hợp của bạn, nhà trường chỉ không phải trả lương cho bạn trong những ngày bạn nghỉ ốm vì việc chi trả do cơ quan bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm nhưng nhà trường không được trừ lương của bạn. Vì vậy, việc trừ lương của nhà trường là sai khi trừ lương của bạn 3 ngày và nhà trường sẽ phải thanh toán lại số tiền lương đã trừ cho bạn. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Nguyễn Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo