Luật sư Phùng Gái

Điều kiện và đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại nguy hiểm?

Quan hệ lao động phát sinh khi nào? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động? Tiền lương và các khoản phụ cấp khác của người lao động được quy định như thế nào? Đối tượng nào được hưởg phụ cấp độc hại, nguy hiểm?

1. Luật sư tư vấn lao động

Lao động là hoạt động cơ bản, thiết yếu  tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người. Trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động phát sinh quan hệ xã hội gọi là quan hệ lao động. Theo đó, người lao động được quyền tự do làm việc, hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động, đơn phương chấm dứt hơp đồng lao động và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thì người lao động có nghĩa vụ chấp hành nội quy lao động. Tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động và thực hiện các quy định của pháp luật về lao động.

Để xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động thì các bên phải tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật lao động. Trong trường hợp bạn cần hỗ trợ các quy định pháp luật về lĩnh vực lao động thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  

2. Điều kiện và đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm?

Câu hỏi tư vấn: Tôi là một thành viên trực tiếp lãnh đạo một đơn vị sản xuất. Văn phòng Chi nhánh được đặt trong khuôn viên Nhà máy sản xuất có độ ồn, hóa chất độc hại ( tất cả công nhân viên trực tiếp lao động đề được hưởng chế độ phụ cấp ) làm việc tại văn phòng đơn vị 8 tiếng/ngày.

Là đơn vị sản xuất trực tiếp nên ban lãnh đạo đơn vị thường xuyên phải đi đến nơi làm việc để đôn đốc cán bộ công nhân viên (những nơi có độ ồn và hóa chất); kiểm tra thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất; chỉ đạo, đặc biệt khi có các sự cố thì ban lãnh đạo trực tiếp tham gia cùng công nhân viên để khắc phục các sự cố về dây chuyền công nghệ, hóa chất trong nhà máy. Tôi xin nhờ Luật sư tư vấn giúp, chúng tôi (BLĐ Chi nhánh ) làm việc trong điều kiện môi trường như vậy thì có được hưởng phụ cấp độc hại không và có văn bản hướng dẫn cụ thể nào hơn thông tư 2005 không ạ. Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thông tư số 07/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay vẫn còn hiệu lực, vẫn được áp dụng nên chưa có văn bản hay thông tư khác thay thế. Cụ thể:

1. Mức phụ cấp:

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung. Theo mức lương tối thiểu chung 290.000 đồng/tháng thì các mức tiền phụ cấp độc hại nguy hiểm thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Mức

Hệ số

Mức tiền phụ cấp thực hiện 01/10/2004

1

0,1

29.000 đồng

2

0,2

58.000 đồng

3

0,3

87.000 đồng

4

0,4

116.000 đồng

2. Quy định áp dụng các mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

a) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

a1) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.

a2) Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

a3) Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.

a4) Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

b) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên.

c) Mức 3, hệ số 0,3 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên.

d) Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên.

Như vậy, với quy định trên thì chỉ những đối tượng làm việc trực tiếp trong môi trường độc hại mới được hưởng phụ cấp. Đối với ban lãnh đạo của đơn vị mặc dù văn phòng đặt tại khuôn viên nhà máy, thường xuyên vào xưởng đôn đốc cán bộ nhân viên làm việc nhưng thực tế không trực tiếp làm việc, tiếp xúc (chỉ trong trường hợp sự cố phát sinh mới được trực tiếp cùng nhân viên làm việc) nên không thuộc đối tượng được chi trả phụ cấp độc hại. Tuy nhiên, cơ quan có thể xem xét để tính phụ cấp độc hại cho những cán bộ, lãnh đạo quản lý mà có quãng thời gian làm việc thực tế trong môi trường độc hại.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện và đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại nguy hiểm?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo