Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Công ty không chịu đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên thì bị xử lí thế nào

Luật sư tư vấn về vấn đề trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho nhân viên trong công ty. Cụ thể như sau:

Kính gừi Anh chị, Vui lòng có thể hỗ trợ tôi giải đáp thắc mắc về BHYT và VHXH.Hiện tôi đang công tác tại một công ty TNHH đã hơn 2 năm, hiện nay tôi đang có ý định muốn nghỉ việc tại công ty này, tuy nhiên gặp phải một số vần đề sau:1. Tôi chưa nhận được lại sổ BHXH vì từ đầu năm 2017 cho tới nay Công ty chưa hề đóng BHXH cho nhân viên, mặc dù đều trừ tiền BHXH vào mỗi tháng trong tiền lương của nhân viên theo luật. Như vậy Công ty đã vi phạm điều nào trong luật BHXH ?2. Về BHYT, mỗi tháng công ty cũng đều trừ tiền BHYT trong tiền lương. tuy nhiên từ tháng 07/2017 cho tới nay nhân viên đều chưa được cấp lại thẻ BHYT. Như vậy, hướng xử lý như thế nào ? Và nếu trong trường hợp từ giờ đến hết năm 2017, nhân viên vẫn chưa nhận được thẻ BHYT, nhân viên có được hoàn trả lại hay không ?Xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 18, Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động có những quyền sau:

 

“1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

 

2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội”

 

 Điều 21, Luật bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đó là:

 

“1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

 

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

 

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 việc công ty bạn không đóng bảo hiểm cho nhân viên trong khi tiền đóng bảo hiểm vẫn bị trừ vào lương tháng của nhân viên là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và thuộc một trong các hành vi cấm quy định tại Điều 17 luật này:

 

“1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.”

 

Chính vì vậy công ty bạn sẽ có thể phải chịu phạt hành chính theo quy định tại Điều 26, Nghị định 95/2013/NĐ-CP :

 

“2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp”

Ngoài ra, công ty bạn còn có bị áp dụng biện pháp khắc phục hâu quả quy định Điều 26 nghị định này đó là:

“ a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”

 

Thứ hai, theo quy định tại Điều 15, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014 thì: “1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.”. Đối với tình huống của bạn có thể chia làm 2 trường hợp như sau:

 

Trường hợp thứ nhất, Công ty có đóng bảo hiểm cho nhân viên trong suốt thời gian 7 tháng qua nhưng chưa đưa lại thẻ bảo hiểm cho nhân viên. Trong trường hợp này, bạn có thể gửi khiếu nại lên công ty yêu cầu phát thẻ bảo hiểm y tế cho nhân viên. Còn đối với việc hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian đó thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, Luật bảo hiểm y tế thì thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng: “b) Người tham gia bảo hiểm y tế liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước”. Theo, bạn vẫn được hưởng thẻ bảo hiểm y tế như bình thường còn nếu việc không phát thẻ bảo hiểm do lỗi của công ty thì công ty có trách nhiệm phải phát lại thẻ bảo hiểm y tế cho nhân viên. Nếu việc chậm cấp thẻ là do lỗi của cơ quan có thẩm quyền thì khi đi khám chữa bệnh trong thời gian chưa được cấp thẻ, bạn có thể xin giấy xác nhận tham gia BHYT từ cơ quan BHXH để sử dụng tạm thời hoặc bạn có thể đi khám chữa bệnh, thanh toán chi phí với bệnh viện sau đó làm hồ sơ thanh toán lại chi phí bảo hiểm y tế trong phạm vi được hưởng. Trong trường hợp này, công ty không có nghĩa vụ phải trả lại số tiền đóng bảo hiểm y tế mà bạn đã đóng bảo hiểm y tế cho bạn.

 

Trường hợp thứ hai, Công ty không đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên trong suốt thời gian 7 tháng vừa qua. Khi đó, công ty đã vi phạm quy định của pháp luật về đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên và vì thế theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 công ty phải chịu trách nhiệm như sau:

 

“3. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

 

a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;

 

b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế”.

 

Trong trường hợp này, công ty phải hoàn trả số tiền mà nhân viên đã đóng bảo hiểm y tế trong suốt thời gian không đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo