Nguyễn Thị Lan Anh

Công ty có được quyền xử lý kỷ luật hoặc gây khó khăn buộc người lao động đang mang thai tự nguyện nghỉ việc không?

Người lao động nữ mang thai luôn là một đối tượng đặc thù được Nhà nước quan tâm, bảo vệ thông qua các quy định pháp luật hiện hành. Vậy, cụ thể pháp luật đang quy định về vấn đề này như thế nào? Nếu bạn chưa nắm rõ được các quy định liên quan đến vấn đề này, bạn có thể liên hệ ngay cho chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.

1. Luật sư tư vấn về quyền lợi lao động nữ khi mang thai:

Mang thai là thiên chức quan trọng của người phụ nữ. Trong thời điểm nhạy cảm này, người lao động nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề về cả tâm lý và sức khỏe. Hiện nay, pháp luật lao động đã nhiều quy định có lợi nhằm bảo vệ tốt nhất chế độ thai sản cho người lao động nữ.

Tuy nhiên, không phải người sử dụng lao động nào cũng nghiêm túc tuân thủ các quy định trên. Trên thực tế, có rất nhiều đơn vị lợi dụng vị trí ưu thế hơn của mình để gây khó dễ, thậm chí là ép buộc người lao động phải tự nguyện nghỉ việc. 

Vì vậy, một vấn đề đặt ra là người lao động phải nắm được những quy định này để từ đó có thể tiến hành giải quyết trực tiếp với doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền lợi. Nếu cần sự trợ giúp của chúng tôi, bạn có thể gửi câu hỏi qua mail hoặc liên lạc theo hotline 1900.6169 để được hỗ trợ các vấn đề pháp lý

Dưới đây là tư vấn của chúng tôi về trường hợp công ty gây khó khăn cho lao động nữ đang mang thai mà bạn có thể tham khảo để đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất cho bản thân. 

2. Luật sư tư vấn về trường hợp công ty gây khó khăn cho lao động nữ đang mang thai:

Nội dung tư vấn: Chào luật sư, Luật sư cho tôi hỏi: Tôi có thai 20 tuần và là quản lý cấp cao lâu năm ở 1 công ty. Nay  công ty cố tìm 1 số dẫn chứng với lí do là tôi làm việc không hiệu quả nhưng tôi đều không đồng ý (công ty tôi từ trước đến nay chưa đặt tiêu chuẩn đo lường cụ thể thế nào là làm việc hiệu quả hay không hiệu quả, mọi người chỉ làm việc hết mình). Và công ty cũng bảo để chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn nên sẽ giáng chức vụ tôi thành nhân viên bình thường và mức lương cũng giảm theo. Vì lòng tự trọng, tôi không đồng ý bị giáng chức từ quản lý cấp cao thành nhân viên. Công ty bảo: đó là bố trí nhân sự của Ban Lãnh Đạo, nếu không làm được thì xin nghỉ. Công ty lại tiếp tục tìm các cách khác nhau để làm cho tôi tự nguyện xin nghỉ việc. Theo tôi được biết, luật lao động không cho phép doanh nghiệp sa thải người lao động với lí do mang thai. Tuy nhiên công ty vẫn có hoặc cố tình tìm nhiều cách để 1 cách gián tiếp sa thải người lao động, buộc người lao động mang thai phải tự nguyện nộp đơn xin nghỉ việc. Vậy công ty vi phạm luật hay không? Trong trường hợp của tôi thì công ty đúng hay sai? Tôi nên làm thế nào vì tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc ở vai trò quản lý như từ trước đến nay (nếu bị chuyển thành nhân viên thì tôi sẽ nộp đơn xin nghỉ việc). Cám ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp, phía bên công ty hiện đang muốn xử lý kỷ luật bạn thông qua hình thức cách chức về hành vi làm việc không có hiệu quả. Để xác định trường hợp này bạn có bị xử lý kỷ luật hay không cần xác định xem lý do mà công ty đưa ra có được quy định trong nội quy lao động là hành vi vi phạm kỷ luật hay không. Trong trường hợp công ty xác định hành vi của bạn là vi phạm kỉ luật lao động của công ty thì bạn sẽ bị tiến hành kỷ luật.

Tuy nhiên, căn cứ vào tại Khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

“Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.”

Đồng thời, xem xét về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2012:

“1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng.

2. Khi hết thời gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 123, nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

3. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Theo đó, lao động nữ đang mang thai thì việc xử lý kỷ luật sẽ được tạm hoãn, cho đến khi bạn hết thời gian nghỉ thai sản và quay lại làm việc thì tời hiệu xử lý kỷ luật sẽ được kéo dài thêm và xử lý kỷ luật sau. Như vậy, có thể khẳng định việc công ty xử lý kỷ luật bạn trong thời gian này là trái pháp luật.

Trong trường hợp phía công ty thực hiện kỷ luật bạn vào thời gian này, theo Điều 132 Bộ luật lao động 2012  bạn có thể khiếu nại với ban lãnh đạo công ty, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Sở lao động - thương binh và xã hội) hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại cơ quan tòa án cấp quận/huyện nơi công ty có trụ sở.

Ngoài ra, phía bên công ty có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng khi vi phạm quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về hành vi xử lý người lao động nữ trong thời gian mang thai.

Còn về vấn đề có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp buộc bạn tự nguyện nghỉ việc. Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, dựa theo những hành vi trên có thể thấy chưa có hành vi nào được xem là gây khó khăn buộc người lao động phải nghỉ việc. Hiện nay, quy định của Bộ luật Lao động chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, vì vậy bạn có thể xem xét về các hành vi của công ty có thuộc trường hợp cấm tại Điều 8 Bộ luật này hay không.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo