Lò Thị Loan

Chế độ tai nạn lao động khi bị suy giảm khả năng lao động 71%

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Vậy trường hợp bị tai nạn lao động người lao động sẽ nhận được những khoản bồi thường và trợ cấp như thế nào? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn. Nếu bạn cũng có thắc mắc tương tự thì hãy liên hệ với chúng tôi

1) Luật sư tư vấn quy định pháp luật về tai nạn lao động.

Khi bạn có thắc mắc và liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định về tai nạn lao động như:

+ Nắm được các điều kiện để hưởng các chế độ của tai nạn lao động;

+ Nắm được các trình tự, thủ tục hưởng các chế độ của tai nạn lao động;

+ Biết được những chế độ được hưởng khi người lao động bị tai nạn lao động;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây: 

2) Quy định pháp luật về quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động.

Nội dung tư vấn: Em trai em làm việc cho công ty sản xuất cơ khí từ tháng 2 năm 2017 đến tháng 14 tháng 12 năm 2017 thì bị tai nạn lao động (khuôn dập vỡ bắn vào mắt).Công ty có đưa em trai em vào viện để cấp cứu và điều trị. Toàn bộ chi phí khám chữa bệnh và các chi phí phát sinh khác cty đều trả. Em trai em ra viện với tỉ lệ suy giảm sức lao động là 71%. Tiền lương trong thời gian em trai em điều trị cũng được công ty thanh toán đầy đủ.Công ty có mời em trai em và gia đình lên họp để công bố kết luận về nguyên nhân gây mất an toàn lao động là do em trai em vận hành máy không đúng qui trình, tức lỗi là hoàn toàn thuộc về em trai em. Công ty có tiến hành trợ cấp cho em trai em theo tỉ lệ thương tật trên, ngoài ra sẽ bố trí công việc khác phù hợp với sức khỏe, em trai em cũng làm 1 tháng nhưng thấy không hợp và xin nghỉ để về quê cho gần gia đình. Gia đình em cũng đồng ý với cách giải quyết của công ty. Tuy nhiên công ty có yêu cầu kí bản cam kết là sau khi công ty trợ cấp sẽ không đòi hỏi gì nữa và tự chịu trách nhiệm về sức khỏe.Đến tháng 4 vừa rồi thì mắt còn lại của em trai nhìn khó, vì vậy có đi khám thì được kết luận là suy giảm thị lực do ảnh hưởng từ mắt bên trái (mắt bị tai nạn lao động). Gia đình có yêu cầu phía bên công ty hỗ trợ chi phí điều trị này thì phía bên công ty trả lời là đã trợ cấp đầy đủ cho em trai em theo luật rồi và gia đình em cũng đã hứa với họ là sẽ không đòi hỏi gì nữa.Tuy nhiên gia đình em hiện rất khó khăn, em trai em từ ngày xảy ra tai nạn cũng vẫn đang là trụ cột chính trong gia đình nó vì vậy khoản trợ cấp điều trị của công ty nếu được là rất cần thiết với gia đình emKính mong anh chị luật sư tư vấn cho em cách giải quyết. Em xin cám ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:

"Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

..."

Theo quy định trên người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động khi họ bị tai nan lao động theo quy định trên gồm có thanh toán chi phí điều trị, trả đủ tiền lương trong thời gian điều trị, bồi thường cho người lao động tương ứng mức suy giảm lao động,...Tại trường hợp này thì em bạn sẽ được hưởng quyền lợi theo như quy định trên như thanh toán viện phí, tiền lương trong thời gian điều trị, bồi thường theo mức suy giảm khả năng lao động theo khoản 5 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động...

Theo thông tin bạn cung cấp, thì sau khi em bạn bị tai nạn lao động công ty đã thực hiện việc chi trả trợ cấp cũng như bồi thường theo mức suy giảm lao động đúng quy định pháp luật. Sau khi em bạn điều trị ổn định cũng đã được bố trí một công việc khác phù hợp với sức khỏe, tuy nhiên sau 1 tháng em bạn đã xin chấm dứt hợp đồng lao động với công ty và có cam kết là sau khi công ty trợ cấp sẽ không đòi hỏi gì nữa và tự chịu trách nhiệm về sức khỏe. Khoản 3 điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định công ty Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động. Hiện nay không có văn bản hướng dẫn như thế nào là điều trị ổn định. Tuy nhiên, bạn có thể liên hệ tới công ty có thể thỏa thuận về vấn đề này.

Về việc vết thương do tai nạn lao động nghiêm trọng hơn thì gia đình có thể liên hệ với công ty làm thủ tục giám định tỷ lệ thương tật lần 2. Nếu kết quả giám định lần 2 có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tăng hơn so với lần giám định 1 thì gia đình bạn liên hệ tới cơ quan BHXH để giải quyết chế độ tai nạn lao động đối với phần suy giảm khả năng lao động tăng thêm (đối với trường hợp khi bị tai nạn người em có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và yêu cầu công ty tính thêm phần trợ cấp tương ứng với tỷ lệ sức khỏe bị suy giảm tăng lên khi giám định lần 2.

Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình bạn khó khăn thì gia đình bạn có thể xin hỗ trợ chi phí điều trị cho em bạn theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTG cụ thể như sau:

Điều 2. Đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh theo Quyết định này gồm:

1. Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo.

2. Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước

4. Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.”

Điều 4. Các chế độ hỗ trợ

1. Hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng thuộc khoản 1 và 2 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày.

2. Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện cho các đối tượng thuộc khoản 1 và 2 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.

3. Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg phải đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật đối với phần người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.

4. Hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg đối với phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ 1 triệu đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có bảo hiểm y tế; nếu có bảo hiểm y tế thì hỗ trợ như khoản 3 Điều 4 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg.”

Do đó, trong trường hợp gia đình đủ điều kiện xin hỗ trợ thì có thể gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xin hỗ trợ chi phí điều trị theo quy định trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo