Luật sư Trần Khánh Thương

Chế độ cho người làm việc tại Đội tuyên truyền lưu động

Luật sư tư vấn một số thắc mắc về quyền lợi của công nhân viên chức làm việc trong Đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa theo quy định của pháp luật


1. Tôi làm việc tại Đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh được 5 năm Nhưng hàng năm tôi không được nghỉ phép và không được thanh toán tiền phép Và chúng tôi thường phải kí vào những giấy tờ công tác khống (tức là không đươc đi công tác theo quy định của nhà nước mà bắt chúng tôi ký vào những chứng từ để xử lý những chuyến công tác đó) trong đó không ghi rõ nội dung ngày tháng, tổng giá trị của những chứng từ đó mỗi lần kí lên tới hàng trăm triệu. Nên luật sư cho tôi hỏi cơ quan làm vậy có đúng là tham nhũng quyền lợi của nhân viên không và giờ tôi phải làm sao để đấu tranh cho quyền lợi của mình. Quy định mỗi năm chúng tôi đi tuyên truyền phục vụ cơ sở là bao nhiêu đêm theo quy định của nhà nước?

2. Cho tôi hởi thêm một vấn đề nữa, là đội viên tuyên truyền lưu động như tôi và một số đồng nghiệp khác thường xuyên biểu diễn phục vụ trên sân khấu, vậy theo quy định của nhà nước chúng tôi có được cung cấp kinh phí để may hoặc mua trang phục biểu diễn phục vụ cho chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật hay không? Quy định đó được áp dụng như thế nào?

Rất mong được sự hồi âm sớm của các luật sư. Tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề nghỉ phép hằng năm

 

Cho dù bạn làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc (viên chức) hay chế độ hợp đồng lao động thì đều được hưởng chế độ nghỉ hằng năm nếu làm việc từ đủ 12 tháng.

 

Điều 111. Bộ luật lao động 2012 - Nghỉ hằng năm

 

"1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

 

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

 

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

 

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

…”

Về vấn đề ký vào các giấy tờ khống, bạn hoàn toàn có quyền từ chối ký vào các loại giấy tờ mà trong thực tế không có thực và bản thân không có quyền lợi liên quan.

 

Thứ hai, về định mức công việc và chế độ được hưởng của đội tuyên truyền lưu động

 

Đội tuyên truyền lưu động thực hiện nhiệm vụ tổ chức các loại hình tuyên truyền lưu động trên địa bàn theo định mức kế hoạch hàng năm hoặc phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền chính trị đột xuất, cấp bách, các phong trào, cuộc vận động lớn ở địa phương. 

 

Căn cứ quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL quy định  Định mức hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động

 

Chỉ tiêu hoạt động trong năm của Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh:

 

- Số buổi hoạt động trong năm: Từ 120 đến 140 buổi

 

- Tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn tuyên truyền lưu động: Từ 1 đến 2 cuộc

 

- Biên tập các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, phát hành tranh cổ động, các tài liệu tuyên truyền khác: Từ 8 đến 12 tài liệu

 

- Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền cơ sở: Từ 1 đến 2 lớp

 

- Biên tập, dàn dựng chương trình mới: Từ 4 đến 6 chương trình

 

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định định mức hoạt động trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Định mức hoạt động cụ thể tại từng tỉnh có thể thấp hơn hoặc cao hơn, nhưng mức tăng, giảm không vượt quá 20% khung định mức hoạt động quy định tại Thông tư này.

 

Hiện nay chưa có quy định nào về cấp kinh phí may trang phục hằng năm, các lần biểu diễn của đội tuyên truyền lưu động được đơn vị cung cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ:

 

Điều 6. Thông tư  20/2014/TT-BVHTTDL - Trang thiết bị phục vụ hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động

 

"Trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ công tác của Đội Tuyên truyền lưu động bao gồm:

 

1. Bản tin, báo chí.

 

2. Tài liệu tuyên truyền của Đảng và Nhà nước.

 

3. Máy phóng (projector), máy tính (Laptop), máy ảnh, máy quay phim.

8. Trang phục, đạo cụ.

12. Các trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác được trang bị phù hợp với điều kiện ở từng địa phương.'

 

Tuy nhiên, các tuyên truyền viên còn được hưởng chế độ bồi dưỡng theo Điều 4 Thông tư liên tịch 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL - Các nội dung và mức chi đặc thù của Đội Tuyên truyền lưu động

 

Kinh phí hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động thực hiện theo quy định hiện hành đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Nội dung chi, mức chi đặc thù (chi bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn) của Đội Tuyên truyền lưu động được quy định như sau:

 

1. Tuyên truyền viên trong biên chế các Đội Tuyên truyền lưu động được hưởng chế độ bồi dưỡng biểu diễn, bồi dưỡng luyện tập theo quy định tại Thông tư này. Mức bồi dưỡng biểu diễn, bồi dưỡng luyện tập cụ thể tại từng tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao), Giám đốc Sở Tài chính, phù hợp với khả năng ngân sách và tình hình thực tế. Mức chi cụ thể tại từng địa phương có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức chi quy định tại Thông tư này. Mức thấp hơn không quá 20% khung bồi dưỡng biểu diễn, bồi dưỡng luyện tập quy định dưới đây:

 

a) Bồi dưỡng luyện tập chương trình mới: Mức bồi dưỡng cho 01 buổi tập chương trình mới là 60.000 đồng/người/buổi/4 giờ. Số buổi tập tối đa cho một chương trình mới là 10 buổi.

 

b) Mức bồi dưỡng trong chương trình biểu diễn lưu động:

 

- Mức bồi dưỡng cho 01 buổi biểu diễn lưu động đối với vai chính là 100.000 đồng/người. Số lượng tuyên truyền viên đóng vai chính trong các chương trình biểu diễn lưu động do Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thông tin triển lãm hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã quyết định.

 

- Mức bồi dưỡng 01 buổi biểu diễn lưu động đối với các vai diễn khác là 80.000 đồng/người.

 

2. Các tuyên truyền viên ngoài biên chế (đối tượng đã được các đơn vị tuyển dụng) tham gia luyện tập chương trình mới và biểu diễn lưu động theo hợp đồng thỏa thuận với Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thông tin triển lãm hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã thì ngoài tiền công theo hợp đồng còn được hưởng mức chi bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn theo quy định tại Khoản 1 Điều 4.

 

3. Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí chi cho các nhiệm vụ đặc thù của Đội tuyên truyền lưu động thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo