Lại Thị Nhật Lệ

Chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Tháng 12/2014 tôi đến thử việc cho 1 Cty, sau 2 tháng thử việc tôi được nhận làm việc chính thức. Và cty ký với tôi hợp đồng lao động không thời hạn với mức lương cơ bản 6 triệu và phụ cấp 6 triệu. Cuối năm 2015 Cty thông báo đến tôi là sẽ cho tôi nghĩ việc sau 45 ngày, với lý do Cty khó khăn. Sau đó Cty đưa tôi 1 quyết định chấm dứt HĐLĐ vào cuối năm (sau 45 ngày) mà không ghi rõ lý do trong quyết định.

 

 

Sau đó đến ngày tôi nghĩ việc, và đi tìm việc khác. Đến nay sau khi tìm hiểu, tôi được biết Cty làm vậy là trái luật LĐNhư vậy tôi có thể khổi kiện Cty ko, và khởi kiện ở đâu. Số tiền có phải là các tháng lương tôi nghĩ và thêm gì ko ạ, còn tiền BHXH BHYT BHTN mà tôi ko được đòng, tiền lương tháng 13. Thưởng hàng tháng theo doanh thu,Tôi còn giữ các HĐLĐ, quyết định, thỏa thuận hoa hồng. Như vậy thời gian kiện như thế có được ko?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đên công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 38 bộ luật lao động năm 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:

 

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.”

 

Như vậy, khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có một trong những căn cứ được quy định tại khoản 1 điều 38 bộ luật lao động năm 2012 và phải thông báo trước ít nhất 45 ngày làm việc (hợp đồng của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn).

 

Nếu công ty bạn chấm dứt hợp đồng lao động mà không có một trong những căn cứ nêu trên thì được xác định là chấm dứt hợp đồng trái luật. 

 

Theo Điều 42 bộ luật la động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”

 

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì phải thực hiện bồi thường, chi trả các khoản tiền nêu trên cho bạn.

 

Căn cứ theo điều 44 và điều 45 bộ luật lao động 2012 thì trong trường hợp vì lý do thay đổi cơ cấu công nghệ, kinh tế hoặc khi doanh nghiệp bị chia tách sát nhập hợp nhất thì người sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp, phương án sử dụng lao động. Nếu sau khi đã áp dụng các biện pháp và lập phương án sử dụng lao động nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất kinh doanh thì có quyền cho người lao động nghỉ việc.

 

Trong trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với bạn theo điều 44 và 45 thì bạn sẽ được chi trả trợ cấp mất việc làm. Nếu bạn việc  làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên thì sẽ được trợ cấp mất việc làm mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn vì lý do kinh tế tuy nhiên trong quyết định cho thôi việc không có căn cứ và bên phía công ty cũng không thực hiện các phương án sử dụng lao động. Do đó, trường hợp này bạn có thể yêu cầu công ty giải trình bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu công ty chấm dứt không có căn cứ hoặc không thực hiện chi trả trợ cấp mất việc làm (chấm dứt hợp đồng theo điều 44 và 45) cho bạn thì bạn có quyền yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân hoặc khởi kiện ra Tòa án nơi công ty đóng trụ sở do chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.

 

Căn cứ theo Điều 202 bộ luật lao động năm 2012 quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

 

“1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.”

 

Như vậy, chiếu theo trường hợp của bạn bạn nghỉ việc từ cuối năm 2015 đến nay đã hết thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, bạn không còn quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv: Vũ Nga – Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo