Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động không trở lại làm việc

Cơ quan tôi là cơ quan nhà nước (đơn vị sự nghiệp công lập). Cơ quan tôi có viên chức viết đơn xin nghỉ việc không lương 01 năm (bắt đầu từ 01/7/2014, vì lý do công việc riêng, không ốm đau, không trong thời gian thai sản).


Đơn vị đã đồng ý và ra Quyết định nghỉ việc không hưởng lương cho viên chức bắt đầu từ 01/7/2014. Đến nay đã hết thời hạn 01 năm viên chức ấy không quay trở lại làm việc, cũng không có trao đổi gì thêm với đơn vị. Tôi có nghiên cứu về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, tôi muốn hỏi trong trường hợp này đơn vị tôi áp dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có đúng pháp luật không? Thời hạn 15 ngày quy định tại Điều 33 của Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 có tính cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật không? Theo Điều 38 của Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 đơn vị phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày, 45 ngày này tính ngày đi làm hay tính cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật? Nếu đơn vị áp dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì trong trường hợp này đơn vị cần phải làm những thủ tục gì, có phải thực hiện chế độ trợ cấp gì cho viên chức ấy không?
 

Chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động không trở lại làm việc
Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về việc nghỉ không hưởng lương

Do hai bên đã có thỏa thuận về việc nghỉ không lương có thời hạn là 1 năm (việc thỏa thuận nghỉ không lương này không cần thiết phải vì lý do bắt buộc nào) nên đây là trường hợp tạm hoãn hợp đồng theo quy định tại điều 32 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận".


Sau khi kết thúc thời hạn tạm hoãn hợp đồng (được ghi trong thỏa thuận) 15 ngày thì người lao động phải trở lại làm việc và người sử dụng lao động có nghĩa vụ nhận trở lại lao động theo quy định Điều 33 Bộ luật lao động 2012:

"Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác".

Khi đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại điều 38 Bộ luật lao động 2012 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động:

"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này".


Thời hạn 15 ngày sẽ tính cả thứ 7, chủ nhật vì pháp luật không có quy định 15 ngày này phải là ngày làm việc.

Về thời hạn thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng

Theo quy định tại khoản 2, điều 38 Bộ luật lao động 2012:

"2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng".


Với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì thời hạn báo trước là 45 ngày (tính cả thứ 7, chủ nhật).

Khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định này, người sử dụng lao động không phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động vì vấn đề chi trả trợ cấp thôi việc chỉ đặt ra khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại  khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật lao động.

Trước khi có quyết định chấm dứt hợp hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải có thông báo gửi đến nơi cư trú người lao động về việc chấm dứt này. Thời điểm bắt đầu thông báo là thời điểm có dấu bưu điện nơi thông báo này được gửi đi. 

 

Trân trọng!
Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo