Hoàng Thị Nhàn

Căn cứ, thủ tục cho thôi việc đối với viên chức theo quy định của pháp luật

Pháp luật quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức như thế nào? Trong trường hợp viên chức muốn nghỉ thì phải thực hiện các bước ra sao? Luật Minh Gia tư vấn trường hợp này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Viên chức

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy tình trạng viên chức gặp khó khăn trong quá trình chấm dứt hợp đồng làm việc còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trước khi thực hiện chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức cần phải tham khảo các quy định của pháp luật hoặc hỏi ý kiến, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong trường hợp không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến Luật Viên chức bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về vấn đề thôi việc đối với viên chức

Nội dung yêu cầu:  Dear Mr/Ms,Tôi dạy học trong cơ quan nhà nước được 4 năm,luôn hoàn thành nhiệm vụ. Năm nay vì gia đình gặp nhiều khó khăn do cha me thường bị bệnh, tôi dạy trường xa (trường cách nhà gần 40 km) xin về 2 năm nay mà chưa được. Bệnh cha mẹ tôi cũng không tiến triển tốt, phải thường xuyên đi khám bệnh. Tôi muốn vê làm gần nhà để tiện chăm sóc, nên làm đơn xin nghỉ. Tôi nộp đơn ngày 9/6/2016 và xin nghỉ vào ngày 1/8/2016 ( theo luât lao động báo trước ít nhất 45 ngày). nhưng Phòng GD xét duyệt và bắt tôi phải làm đơn nghỉ vào ngày 1/7/2016 (lý do tìm người bổ sung vị trí của tôi). Còn nếu nộp đơn vào ngày 1/8/2016 thì sẽ không xét duyệt, và nếu ngày đó tôi không đi dạy lại thì xem như tôi nghỉ ngang và mất chế độ thôi việc.Tôi xin hỏi là nếu tôi vẫn duy trì ngày nghỉ việc của mình là ngày 1/8/2016 thì tôi có làm sai quy định gì không (Vì nguyện vọng của tôi là nghỉ vào ngày 1/8/2016.)? Và Phòng Giáo Dục bắt tôi nghỉ vào ngày 1/7/2016 thì có làm đúng quy định hay không? Còn nếu tôi làm theo lời đề nghị của phòng, nghỉ vào ngày 1/7/2016 thì tôi có bị mất chế độ gì không? Xin cảm ơn vì đã đọc thư của tôi và xin trả lời thắc mắc của tôi trong thời gian sớm nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

"...

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này".

Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ - CP quy định về giải quyết thôi việc:

"1. Viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:

a) Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;

b) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều 29 Luật viên chức.

2. Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đang bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo hoặc khi được xét tuyển;

c) Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.

3. Thủ tục giải quyết thôi việc

a) Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

c) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này và đồng thời giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định tại Nghị định này".

Chiểu theo quy định của pháp luật, viên chức được giải quyết thôi việc khi có căn cứ quy định tại Điều 29 Luật viên chức 2010; và được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ - CP.

Vậy, ngoài căn cứ viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc thì viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức cũng được xác định là cơ sở giải quyết chấm dứt hợp đồng. Trường hợp viên chức đang thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải nghĩa vụ báo trước 45 ngày làm việc.

Tuy nhiên, do Khoản 2 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ - CP không nêu rõ các lý do chưa giải quyết thôi việc áp dụng cho căn cứ nào theo quy định tại Khoản 1 Điều này nên chưa thống nhất được hướng giải quyết triệt để tranh chấp nêu trên. Theo chúng tôi, lý do chưa giải quyết thôi việc tại Khoản 2 và thủ tục giải quyết theo Điểm a, Điểm b Khoản 3 Điều 38 chỉ áp dụng cho trường hợp viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc.

Theo đó, trường hợp anh/chị đơn phương chấm dứt chỉ có nghĩa vụ báo trước 45 ngày theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010. Tức, anh/chị có quyền nghỉ vào đúng ngày 1/08/2016 mà vấn đảm bảo không trái quy định của pháp luật.

Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ - CP quy định về trợ cấp thôi việc:

"1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

2. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

3. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và được xác nhận thời gian có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật".

Theo phân tích trên, trường hợp anh/chị nghỉ đúng ngày 01/8/2016 thì anh/chị vẫn có quyền yêu cầu đơn vị chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ - CP. Anh/ chị có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải thích rõ theo quy định của pháp luật về hành vi của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Căn cứ, thủ tục cho thôi việc đối với viên chức theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo