Trần Phương Hà

Cách tính lương cho giáo viên bậc Trung học cơ sở?

Luật sư tư vấn về cách tính tiền lương. Nội dung tư vấn như sau

 

Nội dung câu hỏi: Thưa luật sư, tôi hiện đang là giáo viên biên chế bậc Trung học cơ sở, tôi được xét biên chế từ ngày 01/04/2010, hưởng 85% lương tập sự từ 01/04/2010 đến 01/04/2011. Sau đó được hưởng lương chính thức lương bậc 1 , hệ số 2,1 hệ cao đẳng sư phạm. đến ngày 20/06/2014 tôi nhận quyết định nâng lương lần 1  : từ bậc 1 hệ số 2,1 lên bậc 2 hệ số 2,41, ngày 08/07/2017 tôi nhận quyết định nâng lương lần 2 : từ bậc 2 hệ số 2,41 lên bậc 3 hệ số 2,72.do kế toán có chút nhớ nhàm nên đến ngày 14/12/2017 kế toán mới làm thâm niên cho tôi trong đó có ghi: tôi được hưởng phụ cấp thâm niên từ ngày 1/10/2015 : 5 % - từ ngày 01/10/2016  : 6% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và 1 tờ ( cái phần tiền phụ cấp thâm niên này tôi đã truy lĩnh.và 1 tờ quyết định thâm niên nữa  về việc hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo 6 tháng cuối năm 2017 tôi được nhận phụ cấp thâm niên là 7%.toàn bộ quyết định trên là tôi được cấp khi tôi đang công tác tại trường cũ vùng ngoại thành.

Đến 5/12/2017 tôi chuyển công tác ra quận gần nhà tôi sinh sống cho thuận lợi công việc và sinh hoạt gia đình. kế toán trường mới có nói lương được xét duyệt và rót về từ đầu năm và đầu quý, tôi về trường tháng 12 là tháng cuối năm thì chưa có tiền mà ở trên quận xét tiền lương trong ngân sách của Quận, kế toán trường mới có bảo với tôi rằng quay lại nói với kế toán trường cũ làm lương tháng 12 cho tôi, nhưng kế toán trường cũ cũng nói rằng đúng là ngân sách đầu năm có rót về như vậy , nhưng khi tôi đi thì phòng giáo dục ở huyện tôi công tác cũ đã phải tìm người thế chỗ khuyết của tôi , vì thế lương mà bên trên cấp về đẫy dĩ nhiên là trả cho người mới về  (người này khi về thay tôi ở trường cũ mới được xét hợp đồng huyện trong chỉ tiêu biên chế)  lúc này tôi có quay về trường mới nơi tôi tiếp nhận công tác mới , tôi nói lại với kế toán mới là : chị làm cho em lương tháng 12 sau vậy, để đến tháng 1 thì em nhận lương cả 2 tháng 12 và tháng 1 một thể.

Do tôi chưa có thẻ ngân hàng phù hợp với nơi tôi công tác mới nên tôi có nhờ kế toán trả lương bằng tiền mặt giúp tôi, khi tôi nhận lương hai tháng 12 /2017 và tháng 1 / 2018 thì tôi nhận được 8.550.000tôi thấy số lương như trên chưa chính xác lắm. tôi muốn hỏi luật sư cách tính lương của tôi như thế nào, các khoản trừ bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đoàn phí - công đoàn ra sao và chốt lại các khoản trừ ( chưa tính các khoản trử ủng hộ vùng khó khăn bão lụt vì cacis này kêu gọi mới đóng) thì cuối cùng lương hàng tháng của tôi nhận được bao nhiêu. Xin trân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do bạn thuộc đối tượng là viên chức nên chế độ liên quan đến tiền lương của bạn được áp dụng theo Điều 12 Luật viên chức 2010. Cụ thể:

 

"Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương

 

1. Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

 

2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

 

3. Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập."

 

Và Khoản 3 Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP:

 

 "Điều 3. Nguyên tắc xếp lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nguyên tắc trả lương và thực hiện chế độ tiền lương

....

3. Nguyên tắc thực hiện chế độ tiền lương

 

a) Cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi thay đổi công việc thì được chuyển xếp lại lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) cho phù hợp với công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (trừ trường hợp bị kỷ luật bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại) để làm công việc khác hoặc giữ chức danh lãnh đạo khác mà có mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng, sau đó xếp lại lương hoặc phụ cấp chức vụ (nếu có) theo công việc mới đảm nhiệm.

 

b) Theo yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang đang giữ chức danh lãnh đạo được luân chuyển đến giữ chức danh lãnh đạo khác có mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ thấp hơn, thì được giữ mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo cũ. Trường hợp công việc mới được luân chuyển đến quy định xếp lương theo ngạch hoặc theo chức danh thấp hơn thì được giữ mức lương cũ (kể cả phụ cấp chức vụ nếu có) và được thực hiện chế độ nâng bậc lương theo quy định ở ngạch hoặc chức danh cũ.

 

c) Các đối tượng được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì được chuyển xếp lại ngạch, bậc lương và hưởng phụ cấp chức vụ (nếu có) theo công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương hoặc theo bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân, nếu có mức lương cũ cao hơn so với mức lương mới được xếp thì được bảo lưu phần chênh lệch cao hơn này theo quy định của pháp luật.

 

d) Thực hiện việc xếp lương, chế độ phụ cấp lương, nâng bậc lương, trả lương, quản lý tiền lương và thu nhập phải theo đúng đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, điều kiện, chế độ được hưởng và các quy định khác của cơ quan có thẩm quyền.

 

đ) Thực hiện chế độ tiền lương phải gắn với cải cách hành chính; bảo đảm tương quan giữa các ngành, nghề và giữa các loại cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội."

 

Như vậy, do bạn không cung cấp đầy đủ về  hệ số lương của bạn vào thời điểm tháng 12/2017 cũng như khoản phụ cấp mà bạn được hưởng nên chúng tôi không xác định cụ thể tiền lương thực nhận của bạn được. Theo đó, tiền lương thực nhận của bạn sẽ bao gồm mức tiền lương theo vị trí công việc , chức danh + phụ cấp lương + tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật (nếu có) ...

 

-  Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Theo Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì hằng tháng người chủ sử dụng lao động sẽ trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc để đóng vào cơ quan bảo hiểm  "Điều 7. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

 

1. Đóng hằng tháng

 

Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước."

 

Cụ thể, theo quy định pháp luật hiện hành, bạn phải trích tỷ lệ trích đóng các loại BHXH bắt buộc là 10,5 % của tiền lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm ( Bao gồm 8% BHXH; 1,5% BHYT; 1%BHTN )

 

- Đoàn phí:

 

Mức đoàn phí bạn phải nộp (nếu là đoàn viên công đoàn) được áp dụng theo Điều 23 Quyết định 1908/QĐ- TLD

 

"Điều 23. Đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí

 

1. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

 

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Phương hà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo