Trần Diềm Quỳnh

Yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng và hạn chế quyền thăm nom con sau khi ly hôn

Ngoài tranh chấp khi vợ, chồng tiến hành ly hôn, nhiều trường hợp, sau khi thực hiện xong thủ tục ly hôn, hai vợ chồng vẫn có tranh chấp về việc giành quyền nuôi con. Một trong số đó là vấn đề làm sao để yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn?

Câu hỏi tư vấn: Kính chào Quý Văn Phòng luật sư! Chúc Quý văn Phòng công việc ngày càng trôi chảy và thành công! cho tôi tư vấn về trường hợp: muốn hạn chế quyền thăm nom con của người cha và muốn tăng mức cấp dưỡng của người cha đối với con sau khi ly hôn? Nội dung như sau:

- Em gái tôi đã làm thủ tục ly hôn với chồng cũ (ly hôn cuối tháng x - 201x), và khi giải quyết ly hôn, toà quyết định Con ở với Mẹ (bé 4t) và Cha bé được thăm nuôi, và 2 tuần 1 lần được chở về nhà Nội. Và trợ cấp hàng tháng là 1,5tr vì Cha Bé thất nghiệp.

- Nhưng sau khi ly hôn, Cha bé chở bé về Nội chơi, khi đưa bé về thì Bé bị bệnh kéo dài cả tháng mới hết, làm ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của bé (Bé bị hen suyễn nhẹ, nên Bác sĩ đã khyên không cho bé uống nước đá, đi nắng và phải uống đủ nước, nhưng Ba bé khi rước bé về thì dẫn đi câu cá, cafe, ... nên Bé bị tái lại bệnh hen suyễn). Vì lý do đó nên Mẹ bé không cho Cha Bé chở đi nữa, nhưng vẫn tạo điều kiện cho tới nhà thăm nuôi. Nhưng Cha Bé không chịu, tới nhà đòi giành con với mẹ và đạp phá đồ đạc trong nhà, còn nói thăm con ở đây như đi thăm Tù, nhà trọ như nhà Tù. Trong khi Cha Bé trợ cấp trễ x tháng, sáng x-x-201x vừa chuyển tiền trợ cấp thì chiều tới phá rối gia đình em gái tội.
Sau đó không được thì đã kiện ra toà đòi thay đổi quyền nuôi con với lý do nói Mẹ không cho tới thăm con. 

- Toà đã triệu tập 2 vợ chồng và không hoà giải được, nên sẽ đưa ra xét xử lại. Nay yêu cầu Mẹ Bé nộp các giấy tờ liên quan như đơn thuốc, giấy xác nhận gây mất trật tự của ba Bé. (Hiện các giấy tờ thì giấy xác nhận đã được Phó khu Phố xác nhận, nhưng giấy khám bệnh thì do nhờ bác sĩ quen gần nhà khám giùm nên không có giấy xác nhận khoảng thời gian 1 tháng chữa bệnh cho Bé).

Theo tôi biết thì trẻ dưới 7 tuoi thì mẹ được phép nuôi Bé, và Cha chỉ có quyền thăm nom, còn vấn đề chở đi đâu phải có sự đồng ý của Mẹ, và nếu ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt của bé thì có thể không được chở đi, còn nếu người cha gây rối sẽ bị cấm cả quyền thăm nom con. Xin hỏi Quý Luật sư những điều tôi biết này có đúng luật pháp hiện hành không? 

-  Khi ly hôn thì Cha Bé báo là thất nghiệp nên trợ cấp mức thấp nhất là 1tr5, nhưng nay Cha bé nói với thư ký của thẩm phán là hợp đồng lao động là 8tr (Cha bé thường xuyên thất nghiệp) và có nhà cửa của Bà Nội Bé nên giành quyền nuôi còn (vì Mẹ bé ở nhà trọ và là chủ 1 tiệm tạp hoá và vừa làm nail, thu nhập ổn định). Với lời lẽ đó, Mẹ bé có thể yêu cầu thêm tiền trợ cấp cho bé không? Vì chi phí trợ cấp 1tr5 là không đủ với Bé.

Xin hỏi Quý Luật sư với những giấy tờ và tình hình này, Toà Án sẽ giải quyết thế nào? Em tôi có quyền yêu cầu với toà để không cho cha Bé tới thăm nom được không?  Xin chân thành cảm ơn Quý văn Phòng Luật Sư! Mong đợi hồi âm.

Trả lời câu hỏi tư vấn: cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, trả lời cho câu hỏi thứ nhất của anh: “Theo tôi biết thì trẻ dưới 7 tuổi thì mẹ được phép nuôi Bé, và Cha chỉ có quyền thăm nom, còn vấn đề chở đi đâu phải có sự đồng ý của Mẹ, và nếu ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt của bé thì có thể không được chở đi, còn nếu người cha gây rối sẽ bị cấm cả quyền thăm nom con. Xin hỏi Quý Luật sư những điều tôi biết này có đúng luật pháp hiện hành không?”

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Cách hiểu của anh về vấn đề ai là người được ưu tiên nuôi dưỡng chăm sóc con trực tiếp như trên là sai với quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật con dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên cho mẹ nuôi. 

Còn trường hợp con dưới 7 tuổi, thì sẽ căn cứ vào điều kiện nuôi dưỡng của cha và mẹ để Tòa ra phán quyết ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con. 

Và nếu như con từ 7 tuổi trở lên thì sẽ căn cứ vào nguyện vọng, mong muốn của con muốn được ở với bố hay là mẹ.
Con về vấn đề bạn muốn hỏi về thăm nom con của người không trực tiếp nuôi dưỡng. Mời tham khảo bài viết sau của chúng tôi: “Hỏi về sau ly hôn người vợ cản trở chồng quyền thăm nom con”. Còn nếu như việc thăm nom con của người không trực tiếp nuôi dưỡng mà ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của mẹ và con thì có thể làm đơn gửi tới Tòa án về hạn chế quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi dưỡng. 

 Thứ hai, trả lời cho câu hỏi thứ hai của bạn như sau: 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về điều kiện để giành được quyền nuôi con, mời bạn tham khảo bài viết sau của chúng tôi: "Muốn giành quyền nuôi con cần những điều kiện gì?

Như vậy, đối với trường hợp của bạn: nếu như chị của bạn muốn hạn chế quyền thăm nom con của người cha thì có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người cha, nếu như không có đơn thuốc để chứng minh về việc ốm đau của thì có thể yêu cầu người chữa bệnh cho con làm chứng trực tiếp khi ra Tòa, Tòa có yêu cầu. Và phía bên người cha cũng có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia về vấn đề thay đổi mức cấp dưỡng và hạn chế quyền chăm nom con sau ly hôn. Trường hợp còn vướng mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email hoặc gọi điện để được tư vấn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo