Lại Thị Nhật Lệ

Xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và thủ tục đơn phương ly hôn.

Hiện tôi và chồng đã kết hôn với nhau được gần 9 năm ,có hai con trai một 8 tuổi một 4 tuổi. Nhưng vì lý do chồng tôi đi ngoại tình nhiều lần tôi đã tha thứ cho cơ hội sửa chữa rất nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi được. Tôi biết chồng tôi qua lại với một cô gái làng chơi làm ở quán tẩm quất hiện cả hai đang ở khu vực hà nội.

Hai người đã ăn ở qua lại với nhau như vợ chồng đến giờ là gần 5 năm, nhiều lần tôi nói chuyện với cả hai nhưng họ vẫn khôn thay đổi và vẫn cố tình nén nút với nhau thậm trí bây giờ công khai khi mẹ con tôi về quê sinh sống. Tôi đã nhiều lần giửi đơn xin ly hôn đơn phương lên toà án và họ đã hoà giải và chồng tôi xin tôi rút đơn về để cho chồng cơ hội cuối cùng nhưng đã hai lần ra toà án mà vẫn không thay đổi được bản tính lăng nhăng thậm trí còn để cho tình địch ghen tuông vô cớ và có những lời lẽ xúc phạm xỉ nhục bản thân tôi .Tôi đã nói chuyện thẳng thắn với chồng để giải quyết nhưng chồng không chịu cho tôi ly hôn  và vẫn van xin tôi tha thứ nhưng đồng thời lại vẫn qua lại với cô cave ở quán tẩm quất về lây bệnh xã hội sang tôi. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn ảnh hưởng đến kinh tế, cô kia thường xuyên xúi giục chồng tôi lôi kéo chồng tôi để tình cảm giữ vợ chồng tôi bị dạn nứt va cãi vã xô xát. Bản thân tôi phải tự lo chăm sóc nuôi dạy con và chồng không chăm lo gia đình.

 

Vậy nay tôi muốn khởi kiện cả chồng tôi và cô bồ của chồng và tôi muốn được ly hôn  để chuyên tâm dành thời gian chăm lo cho con . Vậy tôi phải khởi kiện ở đâu và thủ tục như thế nào ạ. Kính mong quý văn phòng xem xét và trả lời thư của tôi để tôi được biết những thủ tục mình cần phải làm ạ.Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho chị như sau:

 

1. Xử lý hành vi chung sống như vợ chồng.

 

 

Chồng chị chung sống với người kia như vợ chồng là hành vi bị pháp luật cấm theo quy định tại điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014: 

 

“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

 

Chị có thể trình báo nên cơ quan công an xã phường, thị trấn hoặc cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. 

 

Theo quy định tại điểm b, c; khoản 1, điều 48 nghị định 110/2013/NĐ-CP thì chồng chị sẽ bị xử phạt về hành chính:

 

"Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

 

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

 

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ";

 

Như vậy, theo quy định của pháp luật việc chung sống như vợ chồng là hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân 1 vợ, 1 chồng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Chồng chị và người kia có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

 

Trong trường hợp chồng chị và người kia đã bị xử phạt hành chính về hành vi chung sống với nhau như vợ chồng nêu trên  mà vẫn tiếp tục thì chị có thể tố cáo với cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

 

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

 

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 
2. Quyền đơn phương ly hôn.
 

Căn cứ theo Điều 56 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về  ly hôn theo yêu cầu của một bên:

 

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

 

Như vậy, chị có căn cứ về việc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc người chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng như: chồng chị có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác, không quan tâm chăm sóc tới vợ con... làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì chị có quyền đơn phương ly hôn.

 

Chị nộp hồ sơ khởi kiện về việc ly hôn tại Tòa án huyện nơi chồng chị cư trú.

 

Hồ sơ xin ly hôn đơn phương cần chuẩn bị như sau:

 

- Đơn yêu cầu/đơn khởi kiện (Theo mẫu);

 

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

 

- CMND và hộ khẩu;

 

- Giấy khai sinh các con;

 

- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: GCNQSDĐ (sổ đỏ); Đăng ký xe; Sổ tiết kiệm…

 

3. Các bước tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương

 

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND có thẩm quyền;

 

Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ trong thời hạn 7 ngày, Tòa án kiểm tra đơn và nếu đầy đủ thì Tòa thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;

 

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;

 

Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật.

 

Bước 5: Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn, người yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.

 

4. Thời gian tòa án giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn:

 

Ly hôn đơn phương cấp sơ thẩm: khoảng từ 4 đến 6 tháng (nếu có tranh chấp tài sản, phức tạp thì có thể kéo dài hơn).

 

Ly hôn đơn phương cấp phúc thẩm: khoảng từ 3 đến 4 tháng (nếu có kháng cáo).

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và thủ tục đơn phương ly hôn.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo