Nguyễn Thu Trang

Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn

Tư vấn về vấn đề chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người khác trong thời kỳ hôn nhân và nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chung sau ly hôn đối với người không trực tiếp nuôi con. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi:Cháu chào luật sư ạ,  cháu sinh năm 1995. Cháu kết hôn năm 2014, nhưng khi về nhà chồng được 40 ngày thì xảy ra mâu thuẫn với chồng và mẹ chồng nên cháu đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Khi đó cháu đã có bầu được 4 tuần,  từ lúc cháu về nhà mẹ rồi sinh con nhưng nhà chồng cũng như chồng cháu không hề hỏi thăm lấy một lần. Sinh con xong gia đình cháu có lên xin giấy kết hôn  (vì chồng cháu giữ)  để làm giấy khai sinh cho con nhưng họ không cho. Vì thế cháu buộc phải cho con mang họ mẹ. Đến ngày hôm qua cháu lại nghe tin chồng cháu đã đi chụp hình cưới và chuẩn bị lấy vợ khác trong khi chưa li hôn với cháu. Vậy luật sư cho cháu hỏi cháu phải làm như thế nào. Và con cháu sau li hôn có được chu cấp nuôi dưỡng không ạ. Cháu xin trân thành cảm ơn luật sư. 

Nội dung tư vấn: Theo thông tin bạn đã cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Vấn đề thứ nhất, bạn có trình bày, tuy chưa ly hôn nhưng nghe nói sắp kết hôn và đi chụp ảnh cưới với người khác. Thông tin chưa có căn cứ, tuy nhiên nếu chứng minh được chồng bạn đã kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác  thì chồng bạn đã vi phạm việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình theo quy định tại điểm C khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Và đối với hành vi này, chồng bạn có thể vị xử phạt hành chính  ở mức từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng ( căn cứ theo Khoản 1 Điều 48 Nghị định  110/2013/ NĐ- CP) . Ngoài ra, chồng bạn còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Cụ thể: 

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Vấn đề thứ hai, về việc cấp dưỡng cho con chung say ly hôn. Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Ngoài ra, Điều 110 Luật này cũng quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”

Pháp luật cũng không quy định mức cấp dưỡng cụ thể của cha, mẹ đối với con mà chỉ quy định :

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

Như vậy, mức cấp dưỡng có thể do hai vợ chồng thỏa thuận, nếu không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa vào những điều kiện trên để quyết định mức cấp dưỡng hợp lý.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo