Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trường hợp chồng không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người không trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn là như thế nào? Mức cấp dưỡng được xác định dựa trên những căn cứ pháp lý nào? Nếu người không trực tiếp nuôi dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải giải quyết như thế nào? … Luật Minh Gia giải đáp các vấn đề trên như sau:

Câu hỏi: ​Chào luật sư, cho em hỏi về vấn đề sau ly hôn chồng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con như sau: Em ly hôn được 3 năm, khi ra tòa chồng em chấp nhận với mức trợ cấp cho con là 1 triệu đồng mỗi tháng nhưng chồng em chỉ cấp dưỡng được 3 tháng đầu, từ đó tới giờ chồng em không cấp dưỡng nữa. Giờ em muốn chồng em cấp dưỡng cho con em mỗi tháng thì phải làm sao? Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 và Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn như sau:

“Điều 82 Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Khi ly hôn thì người cha không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con để đảm bảo cho cuộc sống của con và thực hiện nghĩa vụ của cha đối với con, quy định này của pháp luật nhằm bảo vệ quyền của trẻ em.

Khoản 2 Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:

“2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;..”

Và Điều 4 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định:

“Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng.Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.”

Như vậy, nếu chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc chồng cũ của bạn phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án.

Bạn nộp đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án, quyết định của Tòa án và căn cứ chứng minh chồng bạn có thu nhập (nếu có) đến cơ quan thi hành án để được giải quyết.

Giảng viên sinh con thứ 3 có được vào biên chế không?

Hỏi: Luật sư cho hỏi trường hợp. Hai vợ chồng mình là giảng viên trường X. Đến nay họ mới sắp xếp để đưa bọn mình trở lại ngạch viên chức do tỉnh quản lý. Nhưng vì lý do là vợ chồng mình sinh con thứ 3 nên BGH nhà trường không đưa vợ chồng mình vào diện biên chế (mình chỉ thấy họ nói miệng chứ cũng chưa nhìn thấy văn bản quy định của trường), như vậy là họ làm đúng hay sai ? Mình phải làm gì ? Mong các bạn tư vấn giúp, xin trân trọng cảm ơn !

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 2 Luật viên chức 2010 quy định:

"Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật."

Theo đó, trường hợp vợ chồng bạn là giảng viên và đã được tuyển dụng vào làm việc tại cơ sở phía bắc trường đại học C.N thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay được sáp nhập về đại học T.B thuộc UBND tỉnh quản lý, có quyết định để vợ chồng bạn hưởng lương theo ngạch viên chức thì vợ chồng bạn sẽ vẫn được xác định là viên chức và hưởng lương như trong quyết định của UBND tỉnh. 

Liên quan đến việc vợ chồng bạn sinh con thứ ba thì hiện nay pháp luật chỉ có quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cụ thể Điều 27 Quyết định 102-QĐ/TW quy định:

"1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.

b) Khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình."

Như vậy, trường hợp vợ chồng bạn là đảng viên thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tuy nhiên việc ban giám hiệu nhà trường không đưa vợ chồng bạn vào viên chức vì lý do vợ chồng bạn sinh con thứ ba là không phù hợp quy định pháp luật. Vợ chồng bạn có thể nộp đơn kiến nghị đến nhà trường để yêu cầu được xếp lương và hưởng các chế độ của viên chức như trong quyết định tuyển dụng của mình.

Việc cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con đối với con đã thành niên quy định thế nào?

Nội dung câu hỏi: Thưa luật sư tôi có 2 câu hỏi mong được luật sư giải đáp cho. 1. Trẻ đủ tuổi thành niên (tháng 12/2018 tròn 19 tuổi) thì khi ly hôn sẽ được phán quyết như thế nào? 2. Về phần giành quyền nuôi con (trẻ 11 tuổi) theo tôi được biết là phải có thu nhập thực tế, công việc ổn định, có chỗ ở ổn định, tài sản, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn của cha mẹ và nguyện vọng của con. Về thu nhập thực tế, công việc ổn định, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn tôi đều đáp ứng được và đều hơn chồng. Về chỗ ở ổn định thì hiện tại nếu ly hôn tôi dự định sẽ đến ở nhà chị tôi và tôi không cần chia tài sản (nghĩa là tôi đi tay trắng). Nguyện vọng của con là được theo tôi. Với những điều như vậy thì tôi có khả năng giành được quyền nuôi con không ạ? Xin cảm ơn luật sư đã đọc email này và mong sẽ được luật sư hồi đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty luật Minh Gia, với câu   hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau

Theo thông tin bạn cung cấp, hai vợ chồng bạn đã thảo luận về vấn đề ly hôn. Tuy nhiên chưa thỏa thuận được về việc người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Để giải quyết trường hợp này, Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.’’

Như vậy, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án căn cứ giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu bạn có kinh tế ổn định, đảm bảo thời gian chăm sóc con ,…cùng nhiều điều kiện thuận lợi để đảm  bảo lợi ích cho con và nếu như các con của bạn: một cháu 11 tuổi, một cháu 19 tuổi có nguyện vọng ở với bạn thì đây là các căn cứ để Tòa án xem xét giao con cho bạn trực tiếp nuôi. Ngoài ra, Toàn án còn xần xem xét về điều kiện các mặt của bên chồng bạn. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo