Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn giải quyết khiếu nại về cấp dưỡng trong thi hành án dân sự

Câu hỏi yêu cầu: Vợ chồng tôi có được bé gái 5 tháng tuổi thì vợ chồng li dị năm 2010, tôi được quyền nuôi dạy con và con tôi được cấp dưỡng 8 trăm ngàn đồng hàng tháng, nhưng chồng tôi không thi hành cấp dưỡng. tôi gởi đơn thi hành án vào 2010 nhưng vẫn không được thi hành án huyện giải quyết .Đến năm 2014 tôi lại nộp đơn xin thi hành án thì thi hành án cũng nhận đơn nhưng không giải quyết và kéo dài đến 1 năm nay.

Thi hành án trả lời là k liên lạc được với chồng tôi, rồi nói chồng tôi đi làm không ra thi hành án được, tôi đến hỏi rất nhiều lần thì thi hành án nói chồng tôi không có nghề nghiệp lại không có tài sản nên k thi hành án được... cứ vậy kéo dài gần 6 năm nay. Khi tôi đến hỏi thì 5,6 cán bộ thi hành án còn nặng nhẹ chửi bới xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của tôi,họ hâm doạ là chồng tôi không cấp dưỡng và đòi quyền nuôi con...nhưng thật ra lúc vợ chồng còn sống chung thì vợ chồng tôi có vài công đất ruộng và đang mua chiếc xe tải trả góp gần xong,ra tòa tôi đã không đòi chia chỉ xin nuôi con vì gia đình chồng và chồng tôi bạo lực với tôi đến hư thai đứa con thứ 2 và đứa con thứ nhất mới 5 tháng tuổi.sau khi li hôn ,chồng tôi bán xe và nhường quyền sử dụng đất cho mẹ chồng tôi,chồng tôi vẫn chạy xe thuê tháng cho 1 doanh nghiệp tư nhân trong huyện và kinh doanh gia đình, chồng tôi vẫn sống chung với ba mẹ chồng tôi.gia đình chồng tôi khá giả, chồng tôi có thu nhập không ổn định mỗi tháng không dưới 10 triệu đồng. Tôi là giáo viên, có nhà cửa và đầy đủ tiện nghi, có thời gian chăm sóc để lo cho con tôi được giáo dục tốt.

Xin hỏi:

1) Thi hành án huyện không giải quyết thi hành án cho tôi là đúng hay sai?

2) nếu thi hành án huyện không giải quyết và trả hồ sơ lại cho tôi thì tôi phải nhờ các cơ quan nào giải quyết thi hành án?

3) những cán bộ thi hành án có thái độ xúc phạm danh dự nhân phẩm của tôi, tôi nên thưa họ đến cơ quan nào để được giải quyết? Tôi xin tư vấn chân thành!


Trả lời: Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

Trường hợp của anh chị tại thời điểm ly hôn năm 2010 được xác định theo Luật HN&GĐ 2000.

Thứ nhất, theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình:

“2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Toà án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, thì người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án.”

Trường hợp của chị, chị hoàn toàn đòi được tiền cấp dưỡng nuôi con từ chồng cũ. Việc chị có đơn yêu cầu xin giải quyết bên thi hành án huyện nhận đơn nhưng không giải quyết, kéo dài thời gian quá lâu là không đúng.

Thứ hai, căn cứ theo Điều 23 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định:

“Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;
b) Quản lý, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức thi hành án;
d) Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;
đ) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;
e) Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;
g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên;
h) Tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thi hành án;
i) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyền điều động, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn và những việc khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.    

2. Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao.”
 
Để khiếu nại, tố cáo về thi hành án chị có thể làm đơn yêu cầu giải quyết tới Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để xử lý giải quyết thi hành án cũng như giải quyết xử lý đối với cán bộ thi hành án có thái độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị.

Tại khoản 2 Điều 142 về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án:

“2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
c) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.”

Nếu trong trường hợp có sự sai phạm từ dưới cơ quan thi hành án cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện thì chị có thể gửi đơn khiếu nại giải quyết về thi hành án tới nơi có thẩm quyền nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn giải quyết khiếu nại về cấp dưỡng trong thi hành án dân sự. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn