Luật sư Dương Châm

Quy định về quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng và phân chia tài sản sau ly hôn

Chào luật sư, tư vấn giúp em về tranh chấp tài sản trong hôn nhân, quyền nuôi con và cấp dưỡng khi ly hôn theo quy định, cụ thể: Em năm nay 34 tuổi, có vợ và 1 con 4 tuổi. Em muốn ly hôn và muốn giành quyền được nuôi con xin luật sư tư vấn giúp. Em xin trình bày hoàn cảnh hiện giờ cửa gia đình em như sau:

- Về nơi ở: Khi tụi em về sống chung thi bố mẹ vợ có cho 1 ngôi nhà cấp 4, người đứng tên là vợ em theo hình thức cha mẹ cho con và ngôi nhà và phần đất xây dựng đã được cấp sổ đỏ, sau khi về ở chung tụi em có tu sửa và phần lớn chi phí là do tiền của em bỏ ra, tui em đang ở riêng gần ông bà ngoại, ông bà nội đang ở quê.

- Về thu nhập: 

+ Vợ em đang làm công nhân tại 1 KCN tại XX, hiện tại làm được 2 tháng tính từ thời điểm ký hợp đồng lao động, thu nhập 3,200,000đ/tháng chưa trừ bảo hiểm XH & BH y tế.

+ Em làm nhân viên kỹ thuật ngành xây dựng cho 1 công ty tại KCN tại XX, thu nhập ổn định 10,000,000đ/tháng, chưa trừ BHXH & BHYT.

- Về mâu thuẩn gia đình: 

+ Vợ chồng không hòa hợp nhau trong cư xử (giữa 2 vợ chồng có thể giải quyết được), gần đây Vợ em có lời lẽ không phải, vô lễ với Ba me, anh Trai em nhưng bảo thủ và vược quá giới hạn của bậc làm con (mâu thuẩn này trước kia cũng có nhưng nhỏ và được bame, anh Trai của em tha thứ, đại loại là những hiểu lầm giữa bame em và con dâu nhưng cố ấy cố chấp và nhắc đi nhắc lại chuyện cũ khi có chuyện), từ đó 2 vợ chồng e trở nên gay gắt hơn nhất là vợ em, cô ấy rất muốn áp đặt và có những lời nói xúc phạm đến e & gia đình e, kể cả bố mẹ cô ấy muốn hòa giải cho 2 vợ chồng cũng bị cô ấy chửi. 

+ Về phần em là chồng, em rất mực thương vợ con & quan tâm đến 2 bên nội ngoại, em luôn là người nhịn vợ những lúc có chuyện. Nhưng bây giờ em không thể nhịn được nữa khi vợ có những thái độ vô lễ với gia đình; em cũng nói thêm gia đình bê vợ rất thương em. 

Với những trình bày trên em rất mong muốn luật sư tư vấn giúp cho em với nội dung như sau:

- Khi ly hôn khả năng giành quyền được nuôi con của em thế nào.

- Tài sải gồm nhà và vật dụng trong gia đình em sẽ không yêu cầu chia, sẽ để cho vợ sử dụng.

- E không yêu cầu vợ vấp dưỡng cho con nếu e giành được quyền nuôi con.

- Em sẽ ở nhà thuê và con sẽ được ông bà nội chăm sóc.

Mong muốn nhận được phải hồi từ Luật sư, em xin chân thành cảm ơn.

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quyền nuôi con

Do thông tin bạn cung cấp không cụ thể và việc quyết định ai sẽ là người có quyền nuôi con sau ly hôn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy chúng tôi không thể khẳng định khả năng giành quyền nuôi con của bạn, mà chỉ có thể phân tích những lợi thế và bất lợi của bạn khi giành quyền nuôi con. Cụ thể:

Khoản 2 điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”

Như vậy trong trường hợp vợ chồng bạn không thể thỏa thuận ai có quyền nuôi con thì tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng dựa trên quyền lợi về mọi mặt của con. Cụ thể tòa án sẽ xem xét tổng thể trên các mặt sau đây:

- Thứ nhất, căn cứ vào điều kiện về vật chất: ăn ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… các yếu tố này sẽ được xét trên điều kiện về chỗ ở, tài sản, thu nhập của cha mẹ. Theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi ly hôn bạn sẽ ở nhà thuê, tuy nhiên thu nhập hàng tháng của bạn lớn hơn thu nhập hàng tháng của vợ bạn khá nhiều. Đây là một ưu thế của bạn trong việc giành quyền nuôi con.

- Thứ hai, căn cứ vào các điều kiện tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ. Trong trường hợp của bạn:

+ Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con: Theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi ly hôn, nếu được quyền nuôi con thì bạn sẽ không có thời gian chăm sóc con, mà thay vào đó là ông bà nội. Điều này sẽ là một bất lợi trong việc bạn giành quyền nuôi con

+ Việc giáo dục, dạy dỗ con: Nếu như trong quá trình tranh tụng tại tòa án, bạn cung cấp được đầy đủ những chứng cứ chứng minh vợ bạn vi phạm các quy phạm đạo đức (hỗn láo với cha mẹ bạn…) thì có thể sẽ là căn cứ để tòa án xem xét việc nuôi dưỡng con của vợ bạn sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển về tính cách và đạo đức của con bạn. Đồng thời nếu bạn cũng chứng minh được trong thời kỳ hôn nhân, bạn luôn quan tâm, yêu thương con thì hai yếu tố này sẽ là ưu thế cho bạn.

- Thứ ba là về mong muốn của con. Tuy nhiên điều kiện này chỉ áp dụng trong trường hợp con lớn hơn 7 tuổi. Trong trường hợp của bạn, bé mới chỉ 4 tuổi, do vậy không xét tới căn cứ này.

Thứ hai, về việc chia tài sản vợ chồng sau ly hôn  

Khoản 1 điều 59 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”

Như vậy nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng khi ly hôn ưu tiên sự thỏa thuận của vợ chồng. Nếu như bạn và vợ bạn thỏa thuận được về vấn đề tài sải gồm nhà và vật dụng trong gia đình sẽ không yêu cầu chia, và để cho vợ bạn sử dụng thì tòa án sẽ tôn trọng sự thỏa thuận này.

Thứ ba, về nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con đối với con

Theo quy định tại khoản 2 điều 82 Luật hôn nhân và gia đình thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trong trường hợp của bạn, bạn và vợ bạn hoàn toàn có quyền thỏa thuận về việc vợ bạn không phải thực hiện nghĩa vụ này.Tuy nhiên nghĩa vụ này là vì lợi ích của con bạn, do vậy bạn nên cân nhắc kỹ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng và phân chia tài sản sau ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo