LS Ngọc Anh

Nhận con và nhập hộ khẩu cho con ngoài giá thú

Xin chào luật sư! Em có vấn đề này nhờ luật sư tư vấn giúp. Chồng em đi xuất khẩu lao động bên Hàn quốc và cặp bồ với một người lấy chồng bên đó nhưng cũng chưa ly dị giống như chồng em.bọn họ ăn ở với nhau và hiện tại bọn họ đã có con với nhau

Vì sợ chồng biết nên cô ta đã về việt nam để sinh con.và hiện nay em được biết là chồng em ở bên Hàn Quốc gọi điện về xã nơi chồng em có hộ khẩu yêu cầu xã làm thủ khai sinh và nhập khẩu cho đứa bé đó.Vậy xin hỏi luật sư trong trường hợp em và chồng em vẫn chưa ly hôn và chồng em vẫn ơ bên Hàn quốc thì có thể viết đơn về nhận con và xin nhập khẩu cho đứa bé đó được không? Và trong trường hợp này em có nên viết đơn khiếu nại sự việc được không?

 

Trả lời Tư vấn : Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hơp của bạn như sau:

 

Thứ nhất:  chồng bạn đuợc nhận con và nhập hộ khẩu cho đứa bé.

 

Vì đứa trẻ đó được sinh ra ngoài giá thú nên trường hợp của chồng bạn muốn nhận con thì phải có giấy tờ chứng minh được chồng bạn và đứa trẻ kia có quan hệ cha con. Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT – BTP thì chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con gồm:

 

"1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

 

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

 

Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

 

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật".

 

Căn cứ vào quy định trên thì khi chồng bạn muốn viết đơn làm thủ tục nhận con thì phải có kèm các giấy tờ của cơ quan y tế, kết quả giám định AND xác nhận quan hệ cha con hoặc thư từ, phim ảnh… và văn bản cam đoan của người cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai nguời nếu có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Nếu hồ sơ nhận con của chồng bạn có đủ văn bản, giấy tờ như trên thì cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ tiến hành thủ tục nhận con, Nếu hồ sơ đăng ký nhận con không được bổ sung đầy đủ các văn bản giấy tờ và nội dung cam đoan ,làm chứng không đúng sự thật thì cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ từ chối hồ sơ đăng ký nhận con của chồng bạn.

 

Điều 25 Luật Cư Trú năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định về sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình như sau:

 

“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng họ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.



Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.

 

2. Nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu.

 

3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó”.

 

Căn cứ theo quy định của Luật Cư Trú thì chồng bạn vừa đồng thời có thể nhập hộ khẩu cho đứa bé vào trong sổ hộ khẩu mà cơ quan có thẩm quyền đã cấp cho gia đình bạn. Truờng hợp mà bạn hỏi thuộc khỏan 3 Điều 25 Luật Cư Trú nên chỉ cần được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó. Như vậy, nếu chồng bạn là chủ hộ gia đình đồng ý nhập hộ khẩu thì đứa bé đó đuợc nhập chung vào sổ hộ khẩu gia đình bạn. Còn nếu bạn là chủ hộ gia đình thì việc đứa bé đó có được nhập khẩu hay không là tùy thuộc vào ý của bạn.

 

Thứ hai: bạn có nên khiếu nại sự việc không?

 

Pháp luật có cơ chế bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, nghiêm cấm các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, cụ thể khỏan 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

 

2. Cấm các hành vi sau đây:

...

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

...

Đuợc biết vợ chồng bạn vẫn đang tồn tại hôn nhân hợp pháp, chưa ly hôn nhưng chồng bạn lại chung sống và có con với người phụ nữ khác nên chồng bạn đã vi phạm chế độ hôn  nhân một vợ một chồng. Vì vậy bạn có thể gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban nhân dân xã yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của chồng bạn và nguời phụ nữ đó.

 

Khoản 1, Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:

 

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:


a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

 

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;



c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;…”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo