Nông Bá Khu

Người nước ngoài đang ở nước ngoài ly hôn với người Việt nam có cần về Việt Nam không?

Luật sư tư vấn trường hợp vắng mặt khi ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:

Thưa anh/chị luật sư.Em có quốc tịch Canada. Hồi tháng 4 năm 2017 em có về Việt Nam cưới vợ. Có đăng ký kết hôn. Sau khi cưới tụi em có hay cãi vã. Và rồi hồi tết này em có có về chơi 2 tháng. Nhưng vợ em không có về nhà em mà ở nhà của cô ấy. Sau tết em và cô ấy có nói chuyện có mặt người lớn. Thì thống nhất li dị vì không còn tình cảm nữa. Nhưng em đã quay về Canada để đi làm. Em xin hỏi nếu giờ ra toà em có cần phải về Việt Nam ko? Nếu em không cần về thì uỷ thác cho luật sư ra sao? Em mới có công việc mới nên không có thể xin phép về được. 2 vợ chồng em đồng thuận ly hôn không có tranh chấp gì tài sản gì hết.Cám ơn anh/chị nhiều.

Trả lời: cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn về công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin giải đáp các thắc mắc của bạn như sau:

Hai vợ chồng bạn đồng thuận ly hôn, không có tranh chấp gì về tài sản, bạn đang ở nước ngoài nên để giải quyết vấn đề ly hôn một cách nhanh chóng, vợ chồng bạn nên chọn giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn, và bạn cũng không cần phải về Việt Nam, bởi theo quy định của pháp luât hiện hành, thủ tục thuận tình ly hôn sẽ diễn ra như sau: Bạn nhờ vợ nộp đơn ly hôn đến tòa án(kèm theo giấy chứng nhận đăng kí kết hôn, bản sao chứng minh thư). Tòa án sẽ thụ lý đơn ly hôn , sau đó sẽ tiến hành giải quyết.

Thứ nhất, nơi gửi đơn ly hôn:

Thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ anh cư trú (Khoản 2 Điều 29, Khoản 3 Điều 35, điểm h Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Thứ hai, giấy tờ cần gửi

Nghị quyết 01/2003/NQ/HĐTP ngày 16/4/2003 của HĐTP- TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, Hôn nhân gia đình, tại mục 2.3 phần II quy định:

“Đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài kết hôn với người nước ngoài mà việc kết hôn đó được công nhận tại Việt Nam, nay người Việt Nam và người nước ngoài xin ly hôn thì lưu ý một số trường hợp sau

Nếu người nước ngoài là công dân của nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước đó thì áp dụng quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.”

Trong trường hợp này,  bạn là công dân Canada, nơi mà Việt Nam chưa kí hiệp định tương trợ tư pháp nên việc giải quyết ly hôn của gia đình bạn sẽ giải quyết theo luật Hôn nhân gia đình 2014.

Đồng thời về thủ tục ly hôn thuận tình trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có thể hiện nội dung về việc đương sự đang ở nước ngoài và hình thức tiến hành thủ tục xét xử vắng mặt.

Điều 477. Xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và kết quả yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ

..

5. Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Tòa án đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này, đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và đương sự đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ;

b) Tòa án đã thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 474 của Bộ luật này;

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bạn đang làm việc tại Canada, không thể sắp xếp thời gian để về nước giải quyết việc ly hôn cho nên biện pháp hợp lý nhất chính là thực hiện thủ tục ly hôn vắng mặt. Lúc náy, tại canada, bạn sẽ chuẩn bị đơn ly hôn và giấy tờ đề nghị xét xử vắng mặt để gửi về Viêt Nam giải quyết. Các loại giấy tờ cần có đó sẽ là Đơn ly hôn bạn sẽ làm và thực hiện hợp pháp hóa tại lãnh sự quán rồi chuyển về cho phía vợ bạn đang ở Việt Nam ký. Sau đó bạn sẽ chuẩn bị bản sao hộ chiếu hay chứng minh nhân dân đã được hợp pháp hóa và Đơn đề nghị xét xử vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại Tòa án Việt Nam có xác nhận của phía lãnh sự quán nơi bạn đang ở tại nước ngoài.

Khi đã chuẩn bị đầy đủ tất cả các loại giấy tờ trên bạn sẽ gửi về Việt Nam để vợ bạn hoàn thiện hồ sơ và gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ đang có địa chỉ cư trú. Sau khi đã có đủ giấy tờ và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt mà không buộc bạn phải về Việt Nam để giải quyết. Thời gian giải quyết của tại Tòa án thực hiện theo trình tự thủ tục bộ luật tố tụng dân sự quy định tuy nhiên căn cứ vào tính chất phức tạp cũng như sự hợp tác của đương sự thì thời gian giải quyết có thể kéo dài. Thông thường giải quyết thuận tình ly hôn sẽ kéo dài từ 2-3 tháng tuy nhiên vì đây là vụ việc có yếu tố nước ngoài nên có thể sẽ kéo dài hơn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo