LS Ngọc Anh

Một số quy định của pháp luật về tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân

Gửi Luật Minh Gia. cho tôi hỏi về tài sản hình thành khi đang trong thời kỳ hôn nhân như sau: Tôi kết hôn năm 1983 được bố mẹ chồng cho một mảnh đất làm nhà tạm ở riêng. Năm 1985 bố mẹ lại cho một khu đất sình lầy để canh tác. Năm 1986 vợ chồng tôi đổ đất san lấp và chuyển nhà ra chỗ mảnh đất đó ở thì bố mẹ tôi lấy lại hết mảnh đất bán đầu.

Vợ chồng tôi sinh được 2 con 1trai, 1 gái. Năm 1990 vợ chồng tôi xây nhà thì bố mẹ lại bảo vợ chồng tôi đổi sình lầy đã được san lấp để vào mảnh đất ban đầu để xây đây là ngôi nhà thứ nhất. Lúc này chố mảnh đất san lấp bố mẹ tôi lấy hết.

Năm 1996 bố tôi chết không để lại di chúc, chồng tôi ngoại tình và có 1 người con trai.

Năm 1998 vợ chồng tôi chuyển đi nơi khác làm ăn và mua đất xây nhà mới, ngôi nhà này là nhà thứ 2, nhà đất cũ ( nhà thứ 1) để lại cho thuê, trong thời gian này chồng tôi lập sổ hộ khẩu độc thân không nhập vào sổ hộ khẩu chung với ba mẹ con tôi nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một mình tôi.

Năm 2004 chồng tôi xin địa phương xác nhận mảnh đất gắn với ngôi nhà thứ nhất là bố đẻ thừa kế cho chồng tôi, cùng thời gian này tôi mới biết chồng tôi đăng ký kết hôn với người đàn bà kia và xây nhà ở với nhau từ năm 1996, sau đó chồng tôi nhập khẩu về chung với ba mẹ con tôi, chồng tôi làm chủ hộ.

Năm 2014 ngôi nhà thứ nhất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên 2 vợ chồng tôi.

Năm 2015 chông tôi viết giấy chia tài sản đòi ly hôn, tôi không đồng ý đã hành hạ tôi và cấm tôi không được lấy tiền thuê nhà và sử dụng ngôi nhà và mảnh đất thứ nhất.

Hiện tại mẹ chồng tôi vẫn sống, chồng tôi lại cắt hộ khẩu đi.

Tình cảnh của tôi như vậy rất mong được tư vấn giúp tôi:

- Nhà và mảnh đất thứ nhất có phải là tài sản chung của 2 vợ chồng không?

- Nếu chồng tôi làm giấy cho tặng, hay thừa kế cho con trai riêng là đúng hay sai?

- Nhà và mảnh đất thứ 2 mang tên tôi theo pháp luật là tài sản chung hay tài sản riêng?

- Chồng tôi kết hôn với người đàn bà khác có đăng ký như vậy có được coi là hợp pháp hay không? Và tôi phải làm như thế nào để chứng minh tôi mới là vợ chính thức?

- Hiện tôi chưa ly hôn, sức khỏe còn minh mẫn nhưng tôi muốn viết giấy di chúc để lại tài sản cho 2 đứa con tôi có được không? Nếu được thì lập di chúc như thế nào mới được coi là hợp pháp? 

Xin Luật Minh Gia tư vấn cho tôi, tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Nội dung tư vấn dưới dây sẽ tư vấn theo hướng năm 1983 bạn và chồng bạn có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, bởi bạn có nói rõ kết hôn vào năm 1983.

Thứ nhất, về nhà và mảnh đất thứ nhất có phải là tài sản chung của 2 vợ chồng hay không?

Năm 2004 chồng bạn đã xin giấy xác nhận mảnh đất thứ nhất là do bố đẻ thừa kế cho chồng bạn, tuy nhiên thì đến năm 2014 thì ngôi nhà thứ nhất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả 2 vợ chồng. Như vậy mặc dù mảnh đất là do bố đẻ thừa kế chồng bạn, tuy nhiên đến năm 2014 mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên 2 vợ chồng, trường hợp này có thể hiểu là chồng bạn đã đồng ý coi mảnh đất thứ nhất trên là tài sản chung của vợ chồng. Theo đó thì mảnh đất thứ nhất là tài sản chung của vợ chồng.

Thứ hai, chồng bạn để thừa kế cho con riêng là đúng hay sai? Căn cứ theo Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật” Như vậy thì chồng bạn có quyền để lại thừa kế cho con riêng theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, căn nhà thứ hai là tài sản chung hay tài sản riêng? Căn cứ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung, do đó mà căn nhà thứ hai mặc dù chỉ đứng tên của bạn, nhưng được coi là tài sản chung của hai vợ chồng.

Thứ tư, chồng chị kết hôn với người đàn bà khác như vậy có hợp pháp hay không? Căn cứ vào nội dung bạn trình bày thì tại năm 1983 bạn có đăng ký kết hôn hợp pháp với chồng của mình, như vậy thì hôn nhân giữa chồng bạn với người phụ nữ khác năm 1996 là vi phạm quy định của pháp luật, pháp luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định cấm kết hôn với người khác trong khi đang có vợ hoặc chồng. Để chứng minh bạn là vợ thì bạn cần có giấy chứng nhận kết hôn.

Thứ năm, về quyền lập di chúc và di chúc hợp pháp. Như nội dụng chúng tôi đã trình bày trên thì bạn hoàn toàn có quyền lập di chúc để lại di sản cho người khác theo quy định của pháp luật.

Về di chúc được coi là hợp pháp thì căn cứ vào Bộ luật Dân sự thì di chúc được coi là hợp pháp phải đảm bảo:

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.”

Hình thức di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật đó là:

- Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực

- Di chúc miệng: được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của  mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trong trường hợp bản di chúc do người khác viết, nó sẽ hợp pháp nếu người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt 2 người làm chứng; người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: sẽ hợp pháp, nếu người lập di chúc tự tay viết và ký vào bản di chúc, nội dung di chúc phải đúng theo quy định.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo