Hoàng Tuấn Anh

Hỏi về vấn đề pháp lý phát sinh sau khi ly hôn

Câu hỏi: Chào luật sư, Tôi có một số thắc mắc sau, kính mong luật sư giải đáp giúp tôi. 1- Khi kê khai, hồ sơ lý lịch, nếu không theo tôn giáo nào thì ta ghi là: Lương hay là không tôn giáo?. 2- Trường hợp hai vợ chồng có con 1,5 tuổi thì khi ly hôn con sẽ do ai nuôi, mẹ hay cha?.

Trong trường hợp người cha thu nhập không ổn định, công việc không đều, thường xuyên nghỉ để kiếm việc mới, nếu trong trường hợp này người cha sẽ không nhận được quyền nuôi con với lý do: không đủ khả năng kinh tế nuôi mình, lấy đâu khả năng kinh tế nuôi con, điều đó đúng không?.

3- Nếu trường hợp này, người cha muốn nhận nuôi con có được không?. (trường hợp người mẹ đồng ý, có cần thiết phải ghi ra văn bản hay không?).

4- Trong trường hợp người mẹ nuôi con, người cha do công việc không ổn định, thường xuyên nghỉ việc thì lúc này mức trợ cấp nuôi con sẽ không đều đặn (không có lương lấy đâu tiền trợ cấp cho con chung), nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, người cha có bị tước quyền chăm sóc và thăm con hay không?.

5- Khi ly hôn xảy ra, đăng ký kết hôn ở đâu thì phải đến đó làm thủ tục ly hôn, điều đó có đúng không?. Có cách nào để ly hôn tại nơi tạm trú không?.

6- Thông thường việc ly hôn sẽ diễn ra 03 lần, 01 lần làm thủ tục và 02 lần hòa giải, điều đó đúng không?

Nếu trong 02 lần hòa giải, một trong hai bên (vợ hoặc chồng) vì lý do nào đó vắng mặt có được không? (trường hợp này tôi nói là hai bên nhất trí ly hôn, không cần hòa giải thêm một lần nào nữa).

7- Trong thời gian ly hôn, lần đầu tiên sau khi đến địa phương nơi đã đăng ký kết hôn để làm thủ tục ly hôn, trong trường hợp này khi người vợ hoặc chồng đột xuất có nguồn thu nhập, kinh tế nào đó không xuất phát từ tài sản chung của vợ hoặc chồng, người vợ hoặc chồng (có nguồn thu nhập đột xuất trên, tức là tài sản riêng của riêng người đó), nếu người đó đột tử hoặc bất kỳ lý do gì tương tự, thì tài sản đó khi thừa kế sẽ là ai là người được thừa kế, con hay là cả con và người vợ, hoăc chồng?

8- Trong trường hợp người vợ hoặc chồng làm văn bản khước từ nguồn thừa kế của họ (nguồn thừa kế này là của riêng của vợ hoặc chồng từ bên phía gia đình của họ), thì lúc đó con chung của họ sẽ không được nhận quyền thừa kế từ phía người vợ, chồng, điều đó có đúng không?.

9- Sau khi ly hôn, người nhận nuôi con có quyền làm văn bản giám hộ con chung (phòng khi trường hợp nào đó không thể nuôi con hoặc sống chung với con) thì phía bên kia: người vợ hoặc chồng có giành được quyền nuôi con, chăm sóc con không?. Nếu như vậy thì điều kiện là gì, phải làm thủ tục gì?

10- Sau khi ly hôn, một trong hai bên làm văn bản thừa kế, trong đó không có quyền thừa kế của con chung thì có hợp pháp và đúng luật không?. (Ý tôi nói ở đây là văn bản thừa kế ghi rõ hay không cần ghi con chung của họ không được nhận quyền thừa kế.)

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1, Trường hợp bạn không theo tôn giáo nào thì ghi là không tôn giáo.

2, Căn cư theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Trong trương hợp này, khi ly hôn thì người mẹ sẽ được quyền ưu tiên nuôi con.

Trong trường hợp người cha thu nhập không ổn định, công việc không đều, thường xuyển nghỉ để kiếm việc mới, nếu trong trường hợp này người cha sẽ không nhận được quyền nuôi con, lý do: không đủ khả năng kinh tế nuôi mình, lấy đâu khả năng kinh tế nuôi con, điều này hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật

3, Khi ly hôn nếu vợ chồng thoả thuận được quyền nuôi con thuộc về người cha thì Toà án sẽ quyết định quyền nuôi con theo thoả thuận đó. Tức trong trường hợp này, nếu người mẹ đồng ý thì người cha sẽ được nuôi con.

Pháp luật không quy định thoả thuận này phải lập thành văn bản, tuy nhiên để đảm bảo chắc chắn, tránh những tranh chấp sau này thì thoả thuận này nên được lập thành văn bản có chứng thực.

4, Căn cứ  theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014,  khi có yêu cầu thì Toà án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Như vậy, người cha có thể bị mất quyền nuôi con khi có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

5, Trong trường hợp thuận tình ly hôn thì có thể tiến hành thủ tục ly hôn tại toà án cấp quận, huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng.

Trường hợp đơn phương ly hôn thì có thể tiến hành thủ tục ly hôn tại nơi bị đơn đang cư trú, làm việc. Như vậy, bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn tại nơi tạm trú của người vợ hoặc người chồng tuỳ từng trường hợp.

6, Trường hợp của bạn nói ly hôn diễn ra 3 lần là sai. Theo quy định của pháp luật để ly hôn thì trước tiên phải thông qua thủ tục hoà giải. Nếu khi tiến hành hoà giải, cơ quan có thẩm quyền triệu tập vợ hoặc chồng tới lần thứ hai mà 1 trong 2 bên vẫn không có mặt thì sẽ lập biên bản hoà giải không thành. Sau đó, toà án sẽ tiến hành xét xử để quyết định cho ly hôn. Bởi vì thủ tục hoà giải trong trường hợp này là bắt buộc do vậy sẽ không phụ thuộc vào ý chí của các bên muốn hoà giải hay không?. Đồng thời, hai bên có mặt hay không trong lần hoà giải tuỳ thuộc vào ý chí mỗi bên.

7, Chỉ khi Toà án có bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật thì mới chấm dứt quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng. Trong trường hợp mới đang trong giai đoạn tiến hành thủ tục ly hôn như bạn đã nói mà người vợ hoặc người chồng chết thì nếu có di chúc tài sản sẽ được phân chia theo di chúc. Nếu không có di chúc thì người hưởng thừa kế theo pháp luật sẽ bao gồm cả vợ hoặc chồng và con của của họ.

8, Trường hợp không có di chúc thì việc thừa kế theo pháp luật của con chưa thành niên không liên quan gì đến nguồn tài sản của bố mẹ. Trong trường hợp này, chỉ cần đó là tài sản của bố hoặc mẹ thì người con luôn được hưởng thừa kế theo pháp luật.

9, Khi thuộc 1 trong các điều kiện sau đây thì toà án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

c) Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì toà án quyết định giao con cho người giám hộ.

10, Căn cứ theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005:

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”.

Đồng thời mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế. Tức người lập di chúc có thể tự do ý chí của mình trong việc định đoạt ai là người thừa kế và được hưởng bao nhiêu?. Vì vậy, nếu họ ghi rõ không cho con chung hưởng thừa kế là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với con chưa thành niên thì nếu bố mẹ lập di chúc không cho hưởng thừa kế thì theo quy định của pháp luật tại Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005 thì khi chia theo pháp luật vẫn được hưởng 2/3 suất thừa kế mà không phụ thuộc vào sự định đoạt theo di chúc.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về vấn đề pháp lý phát sinh sau khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo