Trần Anh

Chuyển hộ khẩu cho con theo mẹ khi ly hôn

Xin chào văn phòng Luật sư, cho tôi hỏi trường hợp chuyển khẩu cho con như sau: Sau khi ly hôn chồng không đồng ý chuyển khẩu cho con thì người vợ sẽ thực hiện hành vi gì để giải quyết triệt để tình trạng trên của chủ hộ.

Trước đây, tôi ở ĐS, năm 2008 tôi kết hôn và nhập hộ khẩu theo chồng tại tỉnh ĐT. Năm 2010 tôi sinh con và cháu nhập hộ khẩu theo cha mẹ. Năm 2015, tôi về ĐS ,ly hôn với chồng và giành quyền nuôi con. Nhưng tôi không còn ở ĐT nên tôi đã nhờ chồng đến Công an chuyển hộ khẩu, nhưng chồng chỉ chuyển cho 1 mình tôi và không chuyển hộ khẩu cho con tôi. Nay tôi đăng ký hộ khẩu tại ĐS cho mẹ con tôi thì Công an Quận chỉ đồng ý nhập hộ khẩu cho 1 mình tôi, còn con tôi họ yêu cầu phải có giấy chuyển hộ khẩu của Công an tại ĐT, mặc dù mẹ con tôi có sổ tạm trú (KT3) tại ĐS. Xin hỏi văn phòng tôi làm sao đăng ký nhập hộ khẩu cho con tôi trong trường hợp này. Tôi có phải đi ĐT để đăng ký tách hộ khẩu cho con tôi ? Số hộ khẩu cũ chồng tôi đang giữ, nếu anh không đưa sổ và không ký vào giấy đồng ý chuyển hộ khẩu thì con tôi cứ mãi hộ khẩu ĐT, cháu có đi học được không? Xin cảm ơn văn phòng.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Chị có trình bày hai vợ chồng đã ly hôn và chị giành được quyền nuôi con. Tuy nhiên, để đăng ký nhập hộ khẩu vào ĐScho con thì bắt buộc phải có giấy chuyển hộ khẩu của Công an ĐT cấp. Và để có giấy chuyển hộ khẩu thì cần phải có sự đồng ý của chủ hộ là chồng bạn.

Người chồng không ký vào giấy đồng ý chuyển khẩu cho con tức đang gây ảnh hưởng tới quyền tự do cư trú của công dân, không thực hiện đúng quyết định của bản án (không tạo điều kiện cho con có hộ khẩu thường trú cùng với mẹ để thuận tiện cho quá trình chăm sóc, học hành của con). Do đó, chị có quyền thông báo hành vi này tới cơ quan có thẩm quyền để phối hợp giải quyết.

Khoản 8 Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT-BCA quy định trách nhiệm của người đứng tên chủ hộ như sau:

" 8. Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật."

Do đó, nếu chồng bạn vẫn cố tình gây khó khăn, không chuyển khẩu cho con bạn thì bạn có thể khiếu nại theo quy định theo tại Điều 39 Luật cư trú:

" Điều 39. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Người nào vi phạm quy định của pháp luật về cư trú thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật."

Sau khi có giấy chuyển khẩu của con, bạn cần tiến hành các thủ tục đăng kí thường trú tại Công an huyện nơi bạn đăng kí thường trú (vì ĐS là thành phố trực thuộc trung ương ) theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật cư trú, điểm a Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ; bao gồm những giấy tờ sau :

-  Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

- Giấy khai sinh của con bạn ( bản chính hoặc bản sao có chứng thực).

Trường hợp con của chị chỉ có KT3 mà không đăng ký được hộ khẩu thường trú thì theo chúng tôi cháu vẫn được đi học. Học là quyền con người, không thể vì lý do không có hộ khẩu thường trú mà hạn chế quyền này của họ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo