Triệu Lan Thảo

Tư vấn về việc phạm tội in, phát hành trái phép hóa đơn và tội trốn thuế

Nội dung yêu cầu tư vấn: em là đơn vị thi công cho công ty A vào 3/2016 do em không xuất được hóa đơn gtgt, nên em có nhờ một cty tư nhân B xuất hóa đơn giúp và cty B́ đồng ý vì cty B cũng đăng ký kinh doanh cả thi công và giá trị của tờ hóa đơn đó là (820 triệu chưa có VAT cty A và B có làm hợp đồng).

 

Sau khi bên A chuyển tiền đủ vào tk của cty B và cả 10% VAT và bên B cũng đã xuất hóa đơn cho bên A. Nhưng đến thời hạn khai thuế, bên B ko khai thuế và số tiền 10% VAT đó bên B sử dụng vào mục đích khác nên bên A cũng ko khai được vì vậy bên A đã giữ lại tiền của em tương ứng với 10% giá trị hợp đồng (82 triệu). Qua tìm hiểu thì em thấy công ty B đã ko khai thuế từ giữa năm 2015 rồi. Như vậy bên Cty B có bị quy vào tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản không thưa luật sư?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty luật Minh Gia, với vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

 

Điều 164a BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định như sau:

 

Điều 164a. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

 

"1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

 

a) Có tổ chức;

...

d) Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

 

đ) Thu lợi bất chính lớn (trị giá từ 100 triệu đồng trở lên);

 

e) Tái phạm nguy hiểm;

 

g) Gây hậu quả nghiêm trọng (gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên).

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Như vậy, hành vi giữa công ty A và công ty B là hành vi mua bán trái phép hóa đơn, tùy theo mức độ phạm tội thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 

 

Thứ hai, về tội trốn thuế

 

Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

 

"Điều 161. Tội trốn thuế

 

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

 

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.”

 

Thứ ba, về việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

 

Điều 50 Bộ luật hình sự 1999 quy định:

 

"Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

 

1.  Đối với hình phạt chính :

 

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

 

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều  này;

...

2.  Đối với hình phạt bổ sung:

 

a)  Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

 

b)  Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV. Nguyễn Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo