LS Hồng Nhung

Tư vấn về trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thưa Luật sư, năm 2003, bố mẹ tôi năm đó đã ngoài 60 tuổi đã bị 1 đối tượng chuyên lừa đảo đưa cho bố mẹ tôi 1 khoản tiền khoảng trên 400 triệu đồng và yêu cầu bố mẹ tôi đưa và ký vào hợp đồng bảo lãnh thế chấp ngân hàng sổ đất rừng diện tích trên 20 ha tại một Ngân hàng lúc đó thuộc tỉnh Hà Tây cũ để vay số tiền trên 5 tỷ đồng.

 

Nội dung cần tư vấn: Sau hơn 6 năm đối tượng đã không trả nợ ngân hàng nên ngân hàng đã phối hợp với cơ quan chức năng kê biên số tài sản trên với số nợ gốc và lãi trên 8 tỷ đồng. Sau khi lừa được bố mẹ tôi, gia đình tôi đã không thể liên lạc được với đối tượng mặc dù đã tìm nhiều cách để tìm kiếm. Tuy nhiên hiện nay gia đình tôi đã biết được nơi ở và thân nhân của đối tượng, vì vậy muốn khởi kiện đối tượng. Vậy xin hỏi Luật sư thời hiệu khởi kiện của gia đình tôi có còn hiệu lực, nếu còn thì chúng tôi nên làm gì. Rất mong Luật sư tư vấn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, năm 2003, bố mẹ bạn đã bị một đối tượng chuyên lừa đảo đưa cho một khoản tiền khoảng trên 400 triệu đồng và yêu cầu bố mẹ bạn đưa và ký vào hợp đồng bảo lãnh thế chấp ngân hàng sổ đất rừng diện tích trên 20 ha tại một ngân hàng thuộc tỉnh Hà Tây cũ để vay số tiền trên 5 tỷ đồng. Sau hơn 6 năm tức là đến năm 2009, đối tượng vẫn không trả nợ ngân hàng nên ngân hàng đã phối hợp với cơ quan chức năng kê biên số tài sản trên với số nợ gốc và lãi trên 8 tỷ đồng. Do đó, theo quy định của pháp luật dân sự, thời hiệu khởi kiện đòi tài sản đã hết nên gia đình bạn không thể kiện đòi tài sản đối tượng đó được. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 174  Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

…”.

 

Thủ đoạn gian dối ở đây là việc đưa  ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói, xuất trình giấy tờ giả mạo, giả danh cán bộ, giả danh tổ chức ký kết hợp đồng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Như vậy, trong trường hợp này, nếu đối tượng đó có đưa ra những thông tin không đúng sự thật, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bố mẹ bạn để lừa dối khiến bố mẹ bạn ký vào hợp đồng bảo lãnh thế chấp ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt số tài sản vay ngân hàng thì hành vi của đối tượng đó cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền mà đối tượng lừa đảo chiếm, chiếm đoạt của bố mẹ bạn là 5 tỷ đồng do đó đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân.

 

 Theo đó, tội mà đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy, theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

 

“Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

 

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

 

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

 

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

 

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

 

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

…”.

 

Theo quy định trên, trường hợp này vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, gia đình bạn nên đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi bạn ở để làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của đối tượng kèm theo các chứng cứ chứng minh hành vi lừa đảo của đối tượng. Nếu có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với đối tượng đó, từ đó cơ quan chức năng sẽ giúp gia đình bạn lấy lại số tài sản đã bị lừa đảo.

 

 

Trân trọng!

Cv. Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo