Hoài Nam

Tư vấn về mua bán tiền giả trên mạng xã hội

Hiện giờ tôi đang làm kinh doanh online , tôi thấy rất nhiều người đăng bán tiền giả và được mọi người quan tâm rất nhiều , cho tôi hỏi trường hợp của tôi như thế này:

 

Tôi có đăng bán tiền giả trên facebook nhưng ko có tiền giả , số người giao dịch rất đông nhưng tôi chỉ giao dịch với 5 người theo dịch vụ COD chứ không bắc cọc trước , trong trường hợp tôi có gửi hàng đi nhưng trong đó chỉ là tiền âm phủ và tôi cũng chưa nhận tiền COD mà họ gửi cho mình ,thì tôi đã phạm tội như thế nào , nếu tôi không lấy tiền thu COD của những người đó nữa , mong luật sư sớm trả lời , Xin cảm ơn luật sư

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

 

Theo Điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

 

“Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

 

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

 

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

 

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

 

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

 

- Với hành vi làm tiền giả, người phạm tội có thể tham gia vào toàn bộ quá trình làm tiền giả hoặc có thể chỉ là một công đoạn của quá trình đó.

 

- Tàng trữ tiền giả là hành vi cất giữ trái phép trong nhà, trong người hoặc ở một nơi nào đó (như cơ sở kinh doanh, vườn…) các loại tiền giả.

 

- Vận chuyển tiền giả là hành vi vận chuyển tiền giả từ địa điểm này đến địa điểm khác trái với quy định của pháp luật. Hành vi vận chuyển tiền giả có thể được thực hiện bằng bất kì hình thức nào như mang theo người, chuyển qua đường bưu điện, tầu hỏa, máy bay…

 

- Hành vi lưu hành tiền giả là hành vi mua đi bán lại các đối tượng đó dưới bất kì hình thức nào như mua bán theo nghĩa thông thường, trao đổi, thanh toán bằng tiền giả.

 

Trường hợp của bạn, bạn đăng bán tiền giả nhưng lại không có tiền giả nên căn cứ vào quy định trên hành vi của bạn có thể không cấu thành tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

 

Tuy nhiên, việc đăng tải bán tiền giả của bạn nếu đưa ra các thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

...”

 

Trân trọng!

CV. Hồng Nhung - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo