LS Thanh Hương

Trách nhiệm pháp lý của công chức khi sử dụng bằng cấp giả

Luật sư tư vấn về trách nhiệm pháp lý của công chức khi sử dụng bằng cấp giả.

Nội dung đề nghị tư vấn

Có trường hợp một cán bộ mua bằng cấp ba giả để đi học trung cấp chính trị hành chính năm 2010 – 2011. Ngày 31/8/2011 được cấp bằng trung cấp chính trị hành chính, đến tháng 9/2011 dùng bằng trung cấp này để được tuyển dụng vào công chức cấp xã. Đến 02/6/2012 người này có tham gia một khoá thi và có bằng cấp 3 thật nhưng không cung cấp bằng này cho tổ chức.
Và từ thời điểm tháng 9/2012 đến 7/2015 vẫn hưởng lương trên bằng cấp trung cấp chính trị được cấp từ bằng cấp 3 giả. Nhưng đến tháng 7/2015 đơn vị phát hiện sự việc, thì được cho rằng đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Vậy cho hỏi như vậy có đúng không ạ? Quy định pháp luật thế nào ạ? Xin cảm ơn luật sư.
 
Trả lời
 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
 
Quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức xã được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 34/2011/NĐ-CP:
 
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
 
Như vậy tính từ thời điểm người công chức làm giả bằng cấp ba tính từ ngày 31/8/2011 và đến nay là đã quá 24 tháng. Tức là đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật, do đó người công chức này sẽ không bị kỷ luật theo quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP.
 
Tuy nhiên, hành vi làm và sử dụng bằng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hành chính. Cơ quan có thể chuyển hồ sơ của người công chức này sang cơ quan công an hoặc cá nhân tố giác hành vi này tới công an. Bên cơ quan công an sẽ xem xét mức độ của hành vi để đưa ra hình thức giải quyết hợp lý.
 
Xét về trách nhiệm hành chính, theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 6 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2011 về thời hiệu xử phạt:
 
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
 
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại hành vi của người sử dụng bằng giả sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính nữa vì đã hết thời hiệu.
 
Nếu xét về trách nhiệm hình sự, người công chức có thể bị truy cứu về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo quy định tại Khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009:
 
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
A) Có tổ chức;
B) Phạm tội nhiều lần;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng;
D) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
 
Đây là tội ít nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm (Khoản 1 Điều 23 BLHS). Tính từ ngày 31/8/2011 đến thời điểm hiện nay là vẫn còn thời hiệu truy cứu nên người công chức đó vẫn sẽ bị khởi tố.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm pháp lý của công chức khi sử dụng bằng cấp giả. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV Khánh Linh - Công ty Luật Minh Gia.
 
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo