Hoàng Thị Nhàn

Trách nhiệm hình sự với người gây tai nạn giao thông làm chết người?

Bố em điều khiển xe máy đi ngược chiều đường trong tình trạng có nồng độ cồn trong người và thời tiết mưa gió đã va chạm với 1 xe ô tô 7 chỗ chạy với tốc độ cao.

 

Nội dung yêu cầu: Hiện này em có 1 số vấn đề thắc mắc liên quan tới vụ việc tai nạn giao thông rất mong anh / chị luật sư tư vần giúp em. bố em điều khiển xe máy đi ngược chiều đường trong tình trạng có nồng độ cồn trong người và thời tiết mưa gió đã va chạm với 1 xe ô tô 7 chỗ chạy với tốc độ cao, quá với quy định của pháp luật và kéo lê bố em đi khoảng 30m mới dừng l   ại, dẫn đến bố em tử vong ngay tại chỗ phía bên nhà xe không có thiệt hại gì về người chỉ bị hư hỏng phần đầu xe - Luật sư tư vấn giúp em với trường hợp này bên gia đình nhà em được đền bù thiệt hại như thế nào? liệu bên phía em có phải bồi thường ngược lại cho phía nhà xe hay không? - Về trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn có phải chịu hay không? - Nếu phía bên người gây tai nạn không chịu đền bù hoặc không có khả năng đền bù họ chỉ muốn chịu trách nhiệm hình sự có được không? Trường hợp này pháp luật giải quyết như thế nào ạ. có bắt buộc họ phải đền bù không.? - Sau khi đi gặp phía bên công an phụ trách điều tra họ có nói với em rằng ''người nhà em đi sai hoàn toàn bên kia không có ngĩa vụ bồi thường'' liệu lời nói của phía bên công an có đúng không ạ? - Em có hỏi bên kia đi quá tốc độ gây tai nạn chết người liệu họ có phải bồi thường hay bị truy cứu trách nhiệm không ạ? thì phía bên công an lại nói với em ''phía bên nhà xe chạy quá tốc độ chỉ bị xử phạt hành chính nếu như bên nhà muốn ra pháp luật có khi phải bồi thường thiệt hại cho phía bên nhà xe?

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

"...

8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

 

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

...

11. Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu".

 

Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: "1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ".

 

Điều 202 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

...".

 

Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật hình sự): "1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản".

Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lit khí thở); chạy xe vượt quá tốc độ và đi ngược chiều đều vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. 

 

Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng của người khác; hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây hậu quả về tính mạng thì người này sẽ bị truy cứu TNHS; và tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm sẽ bị áp dụng một trong ba hình phạt: phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 

Đối với vụ việc trên, nếu có đủ cơ sở để chứng minh người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định; hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người thì mặc dù bố của anh có vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông như phân tích trên thì người lái xe ô tô vẫn bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 202 BLHS 1999. Và, việc xác định lỗi hoàn toàn do bố của anh trong khi người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ không chính xác, không khách quan.

 

Điều 610 BLDS 2005 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:

 

"1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

 

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định".

 

Điều 617 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi: "Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường".

 

Theo phân tích trên, nếu có đủ có sở chứng minh người điều khiển ô tô vi phạm quy định về an toàn giao thông, gây hậu quả chết người thì người này buộc phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thiệt hại được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 610; hơn nữa, người điều khiển ô tô còn phải bồi thường tổn thất về mặt tinh thần cho thân nhân người bị chết.

 

Tuy nhiên, do trường hợp bố anh cũng có lỗi nên người điều khiển phương tiện chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

 

Vậy, nếu có đủ cơ sở như phân tích, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thân nhân người đã mất thì gia đình có quyền yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thụ lý vụ việc và xử lý đúng quy định của pháp luật. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm hình sự với người gây tai nạn giao thông làm chết người?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lê Minh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo