Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tẩy xóa sổ sách của công ty để chiếm đoạt tài sản thì xử lý thế nào?

Chào luật sư. Em có vấn đề này muốn được luật sư tư vấn ạ. Chị A làm cho 1 công ty nhỏ về bán hàng X, trong quá trình làm sổ sách, chị A có tẩy xóa chỗ kí nhận tiền. Bây giờ bên công ty cho chị A nghỉ vì lý do có bầu, nhưng lúc chốt sổ thấy thừa tiền thì bắt đầu mới xem lại sổ, và thấy chị A tẩy xóa. Nên đã bóc những chỗ tẩy xóa ra những con số cũ và nói chị A đền số tiền đó.

 

Có cho chị A xem camera nhưng ko rõ, vì chỗ đó là 1 góc mà camera nhìn thấy. Nếu chị A không trả số tiền đó thì bên đó sẽ cho công an về nhà chị A làm việc. Luật sư giải đáp giúp em tình huống giả định trên, em xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Thông tin bạn cung cấp chưa đủ để chúng tôi xác định hành vi của bạn (giả định là chị A) có dấu hiệu của tội phạm hay không. Việc tẩy xóa sổ sách liên quan đến ký nhận tiền thể hiện bạn có sai phạm trong quá trình nhập thông tin kinh doanh, tuy nhiên bạn không nói rõ lý do tại sao lại bị tẩy xóa, mục đích tẩy xóa những con số này là gì nên chưa thể xác định bạn có mục đích chiếm đoạt tài sản khi tẩy xóa những tài liệu này.

 

Trường hợp bạn do không cẩn thận, cẩu thả mà dẫn đến sai xót trong quá trình nhập sổ sách, nhưng không có mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi của bạn đơn thuần được hiểu là có vi phạm trong quá trình làm việc. Bạn cần giải trình với chủ cửa hàng và chịu trách nhiệm bồi thường (nếu có tổn thất) và bị xử lý kỷ luật lao động (trong trường hợp có quy định xử lý trong nội quy lao động hoặc hợp đồng lao động).

 

Trường hợp bạn cố tình tẩy xóa, làm sai sổ sách nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của cửa hàng thì phụ thuộc vào số tài sản bạn muốn chiếm đoạt là bao nhiêu và trách nhiệm quản lý của bạn với khoản tiền bị chiếm đoạt mà bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội danh sau:

 

Thứ nhất, nếu bạn chiếm đoạt số tiền không thuộc quyền quản lý của mình thì hành vi của bạn có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự 2015:

 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

 

Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm được tài sản đó. Trong trường hợp của bạn, việc tẩy xóa giấy tờ có thể hiểu là thủ đoạn gian dối, đồng thời giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ 2.000.000 trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp được liệt kê tại điều luật trên thì hành vi của bạn mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Thứ hai, nếu bạn chiếm đoạt số tiền mà bạn có trách nhiệm quản lý thì hành vi của bạn có thể cấu thành tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 - Bộ luật Hình sự 2015: 

 

Điều 353. Tội tham ô tài sản

 

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 

Với tội tham ô tài sản, đối tượng chiếm đoạt là số tiền do người phạm tội có trách nhiệm quản lý, đồng thời giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên. Trong trường hợp này, bạn chỉ cung cấp thông tin bạn làm việc tại cửa hàng, nhưng không nói rõ bạn có chức năng kế toán và trách nhiệm quản lý với số tiền thu được từ việc mua bán tại cửa hàng hay không, nếu bạn có trách nhiệm quản lý số tiền này nhưng lợi dụng việc mình có quyền hạn trong việc quản lý tài sản đó để sửa đổi sổ sách, chiếm đoạt tài sản thì hành vi của bạn sẽ cấu thành tội tham ô tài sản nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên. 

 

Trường hợp bạn có hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức độ bị xử lý hình sự, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng, đồng thời có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt và bồi thường cho chủ cửa hàng nếu có thiệt hại phát sinh.

 

Trân trọng.
P.Luật sư tư vấn pháp luật hình sự – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo