Trần Phương Hà

Say rượu tham gia giao thông gây chết người bị xử lý thế nào?

Luật sư tư vấn trường hợp người khác uống rượu rồi tham gia giao thông gây tai nạn dẫn đến tử vong cho người khác thì bị xử lý thế nào? Mức bồi thường là bao nhiêu? Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi: Bố tôi đang lưu thông trên đường quốc lộ và chuẩn bị sang đường bị 1 thanh niên tông phải dẫn tới tử vong. Đường quốc lộ không có đèn nhưng ngã 3 bố tôi vẫn sin nhanh đèn và đi tốc độ rất từ từ. Còn thanh niên kia camera quay lại hiện trường không đo được tốc độ. Trong khi đó thanh niên này theo lời kể của bạn bè là đã có uống rượi còn tham gia lái xe. Sự việc trên khiến gia đình tôi mất mát quá lớn. Gia đình thanh niên kia cũng không thấy có ý kiến gì? Dạ luật sư cho tôi hỏi là gia đình tôi có được khỏi kiện và thủ tục như thế nào ạ. Mong luật sư tư vấn giải đáp giúp tôi 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau

 

Trước tiên gia đình bạn cần đến cơ quan công an để trình báo sự việc tai nạn đã xảy ra. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành, điều tra xác minh vụ tai nạn giao thông. Nếu có đủ căn cứ về việc người thanh niên kia có vi phạm quy tắc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và việc vi phạm quy định là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc gây tai nạn khiến bố bạn tử vong thì người này có thể bị khởi tố về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể:

 

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

 

a) Làm chết người; 

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: 

 

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; 

 

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; 

 

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; 

 

đ) Làm chết 02 người; 

 

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; 

 

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. "
 

Bên cạnh đó, gia đình bạn có thể thỏa thuận với bên người có lỗi dẫn đến cái chết của bố bạn về mức bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi người gây tai nạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết. Người có lỗi trong việc gây ra cái chết cho bố bạn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

"Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."

 

Trân trọng

Phòng Luật sư tư vấn Hình sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo