Nguyễn Kim Quý

Không trả tiền lãi có cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Tôi có góp vốn làm ăn với bạn nhưng quá thời hạn trả lại khá lâu rồi mà bạn không trả tiền cho tôi. Giờ tôi muốn lấy lại cả gốc lẫn lãi nhưng tôi không thể liên lạc với bạn, nhà bạn cũng chuyển đi chỗ khác. Tôi có thể kiện và đòi lại số tiền của mình không?

Nội dung tư vấn: Chào bạn Mình là N có vấn đề muốn nhờ bên bạn tư vấn.  Hồi tháng 12/2018 mình có chuyển khoản cho bạn mình số tiền là 220 triệu. Chuyển khoản có biên lai và lịch sử trên ibanking. Vì là bạn thân chơi 10 năm nên cũng có sự tin tưởng nên khi bạn nói muốn góp vốn làm ăn thì cũng tin và chuyển tiền với lời hứa sẽ chuyển lãi 1 tháng sau (có thể cả gốc nếu vụ sau chưa muốn làm luôn). Quá thời hạn 1 tháng (có thể là 2 tháng hơn) và sau rất nhiều lần giục giã thì bạn mình có chuyển khoản lại 70 triệu. Mình cũng thấy yên tâm hơn nhưng do trả quá muộn và mình có việc riêng nên nói chuyển nốt cả phần gốc còn lại là lãi luôn vì đang cần dùng tiền ngay. Nhưng bạn mình đưa ra đủ mọi lí do và cố tình không trả tiền. Cho đến mấy tuần nay thì điện thoại gọi thuê bao. Nhà nó cũng chuyển đi rồi nên không tìm đc. Bây giờ muốn tư vấn trường hợp thế này mình có thể kiện được không vì đây là cố ý chiếm đoạt tài sản rồi chứ không phải chẳng may làm ăn thua lỗ không trả được (sau đó mình có hỏi vợ nó mới li dị thì biết nó có cá độ bóng đá và không biết có làm ăn thật hay không). Mong bên bạn tư vấn. Thanks.


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:


Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:


Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài 


1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:


a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

..."


Bạn có chuyển khoản cho người bạn của mình một khoản tiền để góp vốn làm ăn, tuy nhiên quá thời hạn trả lại mà người này lại cố tình không trả cho bạn. Hành vi của người bạn này của bạn sẽ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu người này dùng thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa bạn để chiếm đoạt tài sản bạn đang sở hữu. Thủ đoạn gian dối phải là phương tiện để chiếm đoạt tài sản, phải xảy ra trước hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp của bạn, nếu người bạn này dùng số tiền bạn đã cho vay để cá độ bóng đá trong khi trước đó người bạn này vay với mục đích là vay vốn để kinh doanh thì tức là người này đã dùng thủ đoạn gian dối để nhằm làm bạn tin tưởng mà giao tài sản cho, sau đó lại có điều kiện để trả mà cố tình không trả và bỏ trốn khỏi nơi cư trú, không thể liên lạc lại được nữa để nhằm chiếm đoạt số tài sản này thì hành vi này có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.


Trường hợp nếu người bạn này của bạn không có thủ đoạn gian dối, tức là, lúc đầu đúng là có dùng số tiền bạn cho vay vào mục đích kinh doanh, nhưng sau đó, người này đến thời hạn trả lại cố tình không trả số tiền cả gốc lẫn lãi cho bạn dù có điều kiện để trả, bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc sau khi vay mới dùng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tài sản này hoặc dùng số tiền này vào mục đích bất hợp pháp (cá độ bóng đá trái phép) dẫn đến việc người này không còn khả năng trả nợ nữa thì hành vi của người này không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 nữa mà cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

"Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính vềhành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ,thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

..."


Như vậy, khi nhận thấy người bạn của mình có những dấu hiệu chiếm đoạt tài sản như trên, bạn có thể trình báo cơ quan công an cấp huyện nơi người đó cư trú kèm theo những chứng cứ chứng minh về việc người này đang có hành vi chiếm đoạt tài sản của mình như thông tin về hợp đồng cho vay để góp vôn làm ăn (vd như tin nhắn điện thoại, văn bản hợp đồng, người làm chứng,...), hóa đơn, giấy chuyển tiền,.... Trường hợp người bạn của bạn không có dấu hiệu về những tội chiếm đoạt tài sản như trên, thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người này cư trú để buộc người này thực hiện nghĩa vụ trả nợ với mình.

 

Trân trọng.

Phòng tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo