Hoàng Tuấn Anh

Kế toán làm chứng từ khống theo lệnh của giám đốc

Tội tham ô tài sản được quy định như thế nào? Các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản? Mức hình phạt với tội tham ô tài sản? Trường hợp kế toán làm chứng từ không theo lệnh của giám đốc thì xử lý như thế nào? Giám đốc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mình đang quản lý có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô không?

1. Luật sư tư vấn về tội tham ô tài sản

Tham nhũng, tham ô là vấn đề chung được tất cả quốc gia quan tâm. Tham nhũng, tham ô làm thâm hụt công quỹ, giảm mức phúc lợi, hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm giảm lòng tin của công dân và đến một mức nào đó có thể gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Xuất phát từ hậu quả nghiêm trọng của hành vi tham ô nên Bộ luật hình sự đã có quy định riêng về tội tham ô tài sản. Theo đó, tham ô tài sản có thể hiểu là hành vi trái pháp luật hình sự do người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự, có trách nhiệm quản lý tài sản thực hiện bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thành của riêng cho mình hay người khác. Để một hành vi được xác định là tội tham ô tài sản thì hành vi đó phải thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến tội tham ô tài sản thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Kế toán làm chứng từ không theo lệnh của giám đốc thì xử lý như thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư,tôi gửi mail này mong LS giải đáp giúp tôi thắc mắc này: Công ty chị họ tôi là DN Tư nhân, nhiều năm qua (gần 10 năm) giám đốc cty chị tôi lợi dụng chức vụ chiếm dụng vốn, thủ quỹ làm việc riêng, nhưng vì thua lỗ nên vẫn chưa hoàn trả cho két, số tiền hiện nay lên đến gần 90 tỷ đồng. Vấn đề ở đây là chị tôi là kế toán trưởng bị giám đốc ép làm chứng từ khống để hợp thức hoá, nhưng chị tôi không ký tên lên giấy tờ. Chị tôi và các nhân viên đã im lặng từ nhiều năm vì sợ bị cho thôi việc, đến bây giờ mọi chuyện có thể sẽ bị vỡ lỡ. Nếu thanh tra kiểm tra, liệu chị tôi có bị truy cứu? Mong LS hồi đáp nhanh chóng. Tôi vô cùng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trong trường hợp này hành vi làm hồ sơ, sổ sách khống của chị bạn (chị A) đã vi phạm pháp luật.

Việc chị A làm theo lệnh của giám đốc không có nghĩa là chị A không phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm pháp luật của mình. Tuy nhiên về mức độ xử lý đối với hành vi của chị A sẽ được xem xét dựa trên các yếu tố như chị A có bị ép buộc phải thực hiện hay không? chị A có thu được lợi ích gì từ việc làm hồ sơ sổ sách khống này không? Hành vi của chị A cụ thể như thế nào? Mục đích làm chứng từ khống?Về trách nhiệm hình sự thì hành vi của chị A có thể được xem xét với vai trò là đồng phạm (Điều 17 Bộ luật hình sự 2015) và phải chịu mức phạt tương ứng với hành vi và mức độ lỗi mình gây ra.

Theo quy định của pháp luật, hành vi lập chứng từ, khai khống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm chiếm đoạt tài sản làm của riêng của cơ quan, tổ chức là hành vi tham ô.

Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 7 Nghị định 105/2013/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chứng từ kế toán:

"4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giả mạo, khai man chứng từ kế toán;

b) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán;

c) Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

d) Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

đ) Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

e) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng chứng từ kế toán.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu chứng từ kế toán đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, b Khoản 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người hành nghề kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này."  

Như vậy,  đối với việc chị A làm chứng từ kế toán khống thì chị A có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt là từ 20 đến 30 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu toàn bộ chứng từ kế toán mà chị A  đã giả mạo đồng thời bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề kế toán từ 1 đến 3 tháng.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên và những thông tin cụ thể trong vụ việc thực tế mà chị A có thể xác định hành vi nói trên có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không. Nếu đủ điều kiện để bị xử lý hành chính, ngoài hình phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng, người thực hiện hành vi còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 105/2013/NĐ-CP bao gồm:

“Các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kế toán bao gồm:

a) Buộc phải hủy các chứng từ kế toán đã lập trùng lặp;

b) Buộc phải khôi phục lại sổ kế toán;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.

Thứ hai, tuy có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định 105/2013/NĐ-CP nhưng do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên hành vi  giả mạo, khai man chứng từ kế toán nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các cấu thành tội phạm Điều 353. Bộ luật Hình sự  Tội tham ô tài sản:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

...

Nếu hành vi của chị A thỏa mãn toàn bộ các cấu thành tội phạm trên thì tuy có hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong quản lý hoạt động kế toán nhưng do tính chất nghiêm trọng thì các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội danh tương ứng.

Tóm lại, chủ thể của Tội tham ô tài sản do người có chức vụ quyền hạn thực hiện phải là người có chức vụ, quyền hạn do được bầu, tuyển dụng, bổ nhiệm, được giao nhiệm vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và họ phải được giao thực hiện nhiệm vụ đồng thời có hành vi chiếm đoạt tài sản khi thi hành công vụ.

Như vậy, chị A làm chứng từ kế toán khống thì chị A có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt là từ 20 đến 30 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu toàn bộ chứng từ kế toán mà chị A  đã giả mạo đồng thời bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề kế toán từ 1 đến 3 tháng. Ngoài ra căn cứ hành vi  giả mạo, khai man chứng từ kế toán,  có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các cấu thành tội phạm  Điều 353. Bộ luật Hình sự  Tội tham ô tài sản. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn