Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Nội dung đề nghị tư vấn: Em chào anh chị trong Đoàn luật sư Minh Gia ạ! Em tên Tr hiện đang là sinh viên năm 3. Gia đình em đang có vấn đề khúc mắc về lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rất mong nhận được sự tư vấn của anh chị.

Vào năm 2010 , anh trai e có mượn chiếc xe gắn máy hiệu Atila của bạn gái tên Ch đem cầm cố 7 triệu đồng. Sau đó gia đình cô Ch đã thưa lên công an và gia đình em cũng đã khắc phục hậu quả sau đó.

Tới nay anh trai em mới ra đầu thú. Tội danh là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Anh trai em là phạm tội lần đầu. Và gia đình em cũng đã xin được gia đình cô Ch đơn xin bãi nại. Gia đình em thắc mắc là việc sảy ra 3 năm anh trai em mới ra đầu thú có phải là tình tiết tăng nặng không ạ? Gia đình em muốn làm thủ tục bảo lãnh tại ngoại thì phải làm thế nào ạ? Còn anh trai em có thể bị áp dụng khung hình phạt như thế nào? Có người bạn của em có hưỡng dẫn em là nếu gia đình em biết khéo léo bên viện kiểm sát thì có thể được miễn truy tố.

Em xin hỏi là có trường hợp nào được miễn truy tố không ạ? Và nếu có gia đình em cần phải làm thế nào ạ? Nếu gia đình em muốn thuê luật sư bào chữa thì phí sẽ như thế nào ạ? Em rất mong sự tư vấn của anh chị. Em xin cảm ơn ạ.

 

Người gửi: Họ tên: Trần Th Tr; Email: …eu1192@gmail.com; Điện thoại: 097959…

Tiêu đề: Hỏi về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 

Hỏi về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Luật sư tư vấn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi những thắc mắc của gia đình bạn đến công ty chúng tôi! Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến như sau để bạn tham khảo:

Thứ nhất, chỉ những tình tiết được luật hình sự quy định thì mới được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 48 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì không có quy định về thời gian đầu thú. Do vậy, việc anh trai bạn sau 3 năm kể từ ngày phạm tội mới ra đầu thú không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, về việc bảo lĩnh tại ngoại. Tại điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về điều kiện và thủ tục bảo lĩnh như sau:

“1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
….
4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.
….”

Như vậy trong trường hợp cá nhân bảo lãnh phải có 2 người làm đơn xin bảo lãnh tại ngoại và đơn này phải xin xác nhận của UBND xã nơi người bảo lãnh cư trú. Đơn này gửi đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.

Thứ ba, về khung hình phạt có thể áp dụng đối với anh trai bạn. Luật hình sự Việt Nam quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

Điều 140*. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

A) Có tổ chức;

B) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

D) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

Đ) Tái phạm nguy hiểm;

E) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”

Như vậy, tùy vào giá trị tài sản chiếm đoạt và các tình tiết khác mà anh bạn có thể bị áp dụng một trong các khung hình phạt được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự

Thứ tư, hiện nay BLHS chưa có quy định nào về miễn truy tố mà chỉ có quy định về miễn trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Điều 25. Miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

 Nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

 

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi đưa ra để bạn tham khảo. Nếu còn vấn đề gì chưa rõ hoặc cần sự bào chữa của luật sư đối với vụ án này, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua tổng đài tư vấn 1900.6169 hoặc đến trực tiếp tại công ty để được hướng dẫn cụ thể.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật hình sự trực tuyến để được giải đáp.

 

Trân trọng.

P. Luật sư tranh tụng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo