Lại Thị Nhật Lệ

Hành vi làm bằng cấp giả xử lý như thế nào?

Tôi có một vấn đề liên quan đến việc làm giả bằng đại học, mong công ty tư vấn giúp. Tôi học đại học, hoàn thành khóa học năm 2013, ra trường và nhận bằng gốc do trường cấp. Tôi đi xin việc ở 1 công ty, công ty này yêu cấu nộp bằng gốc, hợp đồng làm việc 3 năm, không có điều khoản giữ bằng gốc.

Sau khi hết hợp đồng tôi không tiếp tục làm việc ở công ty này nữa, nhưng công ty không trả lại bằng gốc để tôi có thể tiếp tục đi xin việc. Việc đề nghị trường đại học cấp lại bằng gốc không thực hiện được. Vì vậy tôi có ý định thuê làm bằng giả, mọi thông tin được làm như bằng gốc, mục đích để khôi phục lại bằng gốc và tiếp tục xin việc. Tôi biết việc làm của tôi là vi phạm tội làm giả giấy tờ và con dấu của cơ quan, tổ chức, nhưng cho tôi hỏi việc làm của tôi sẽ bị xử lý tài chính hay phạt tù? Chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

1. Xử lý hành vi giữ bằng của công ty cũ

Căn cứ theo Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao độngnhư sau:

“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Và căn cứ theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CPquy định về vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau:

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”.

Do đó, công ty cũ của bạn có hành vi giữ bằng chính của bạn là trái quy định của pháp luật. Công ty sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trả lại bằng cho bạn.

2. Về hành vi thuê làm bằng giả của bạn

Người nào có hành vi sử dụng bằng cấp giả, thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Và căn cứ Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức. 

Việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi "sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả". Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi, nếu mục đích đó "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân" thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Trường hợp thứ hai là người sử dụng văn bằng bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung và chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 88/2022/NĐ-CP, với mức xử phạt là: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Như vậy, căn cứ vào tính chất mức độ và hành vi thuê và sử dụng  bằng giả của bạn để xác định mức độ vi phạm của bạn. Bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thuê và sử dụng bằng giả như trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo