LS Vũ Thảo

Hành vi cưỡng đoạt tài sản và hình thức xử lý

Gia đình tranh chấp với cô T về khoản tiền làm về hồ sơ nhà đất. Sau đó, gia đình đã gặp gỡ cô T trong đó bao gồm: vợ, bạn của vợ và hai người em trai tại quán nước. Trong quá trình nói chuyện, hai em trai đã có hành vi xô xát ngăn cản không cho cô T gọi điện thoại, đồng thời giật lấy túi xách và lấy xe máy chạy lòng vòng.

 

Hiện nay gia đình chúng tôi đang gặp phải một số rắc rối do không mong muốn, kính mong Luật gia tư vấn, tôi xin trình bày tình tiết như sau (xin phép được viết tắt tên của nhân vật):

1/ thời gian trước đây, gia đình chúng tôi được sự giới thiệu của người quen đến gặp cô Th là người chuyên lam về hồ sơ nhà đất (do miếng đất của người bạn với gia đình tôi không làm ra được sổ đỏ....) sau khi gặp và thương lượng thì cô T có nhận tiền của chúng tôi tổng cộng 100tr đồng (có giấy nhận tiền và cam kết thời gian hoàn thành là 03 tháng) nhưng cũng vì lý do nhiều bên nên cô Th không thực hiện theo đúng như cam kết trong hợp đồng và cũng chính từ đây thì cô Th đã tránh gặp mặt gia đình chúng tôi (dù đã gọi điện thoại và đến nhà (sau này mới biết là thuê trọ, ở cùng với 02 đứa con của cô Th) và sau đó dọn nhà đi nơi khác thuê ở và cũng từ đó chúng tôi cũng không gặp được sự cô Th để lấy lại số tiền trên. 

2/ cách đây không lâu, vợ tôi cùng một người bạn gái và hai đứa e trai phát hiện cô Th nên đã đuổi theo và mới cô Th vào quán nước để nói chuyện. Trong quá trình nói chuyện thì vợ tôi đi ra ngoài nghe điện thoại, ngồi phía trong quán còn lại bạn của vợ tôi và hai đứa e trai (trước đó đã xảy ra xô xát do ngăn cản không cho cô Th gọi điện thoại) thì vợ của tôi thấy 02 đứa e có cầm giỏ xách của cô Th đi ra ngoài, (vì bạn của vợ tôi nói nên hai đứa e giật lấy giỏ xách, vì vừa nghe điện thoại lại thấy đứa e cầm túi xách thì hốt hoảng và bảo hai e trai lấy xe máy chạy lòng vòng, mục đích là ngăn cản không cho cô Th đi ra khỏi quán nước khi chưa giải quyết xong vấn đè tiền bạc giữa hai bên). Sau đó thì cô Th có gọi điện thoại cho CA phường xuống giải quyết.

3/ sau khi lên trụ sở CA phường thì vợ tôi có yêu cầu hai đứa e đang cầm túi xách của cô Th đem lên trả lại cho cô Th (qua kiểm tra túi xách thì chỉ có giấy tờ, và qua lời kha của cô Th thì chỉ có giấy tờ còn tiền thì chỉ có 1,85 triệu đồng, nhưng sau khi đấu tranh khai thác của CA thì bản thân cô Th không có tiền như đã khai báo. 4/ hiện nay vợ của tôi cùng bạn và hai đứa e đã về nha trong ngày hôm đó (do tôi viết đơn bảo lãnh)

Vậy xin hỏi Luật gia một số vấn đề sau:

1/ hành vi của hai đứa e trai có phải là " cưỡng đoạt tài sản không", theo điều 135 BLHS?

2/ bản thân gia đình chúng tôi muốn cô Th ở lai để giải quyết số tiền cô Th đã nhận nhưng không thuc hiên được như cô Th đã cam kết, do lo sợ cô Th sẽ đi và khó có thể gặp lại được (vì chỗ o của cô Th không xác định được nên mới có hành vi tạm giữ túi xách của cô Th và bên trong túi xách của cô Th chỉ có giấy tờ và túi xách cô Th để trên ghế ngồi cạnh cô Th) vậy đó có phải là hành vi cưỡng đoạt hay không?

3/ nếu phải thì mức hình phạt là sao? Còn nếu không thì mức hình phạt như thế nào.? Và đây có phải là hình thức có tổ chức hay không?

Kính mong luật gia tư vấn cho gia đình chúng tôi. Trân trọng!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau: 

 

Về mặt chủ thể, đối tượng được xác định ở đây là hai người em trai. Đó là những cá nhân có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình và đồng thời có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS hiện hành.

 

Về mặt khách thể, đây là hành vi xâm phạm đến nhóm quyền xâm phạm sở hữu của con người mà Bộ luật hình sự đang bảo vệ theo quy định tại điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009

 

Về mặt chủ quan, hai anh em đã vi phạm lỗi cố ý nhưng lại chưa gây ra hậu quả. Cụ thể, tình tiết trong tình huống trên cho thấy, rõ ràng hành vi ban đầu của hai anh em là trực tiếp gây ra lỗi khi cố ý lấy túi của cô Th (trước đó đã xảy ra xích mích, xô xát ngăn cô Th gọi điện thoại) nhưng mục đích mà hai người anh em này thực hiện chỉ dừng lại ở việc ngăn cản không cho cô Th đi ra khỏi quán nước khi chưa giải quyết xong vấn đề tiền bạc giữa các bên. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để chiếm đoạt. Hành vi phạm tội đối với bị hại được thực hiện công khai. Công khai là công khai về hành vi phạm tội chứ không phải công khai bản thân người phạm tội.

 

Về mặt khách quan, hai người em đã trực tiếp dung hành vi của mình (lấy túi xách và chạy bằng xe máy lòng vòng) để ngăn cản cô Th bỏ đi nơi khác khi chưa giải quyết xong vấn đề. Hành vi khách quan này hoàn toàn có sự kiểm soát  ý thức và có sự điều khiển ý chí của họ, không ai ràng buộc hay áp đặt. Hành vi này có thể đe dọa gây thiệt hại cho cô Th khi các giấy tờ có liên quan có thể bị mất đi. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một vấn đề đó là ban đầu cô Th đã khai báo không có thực về giá trị tiền bạc trong túi nên ta có thể nhận thấy hành vi của hai anh em không nhằm đến động cơ hay mục đích chính là tiền bạc mà chính là việc lấy tài sản để uy hiếp cô Th do cô Th chưa thực hiện hết nghĩa vụ trong việc giao kết thỏa thuận trước đó. Đồng thời họ cũng không gây ra thương tích hay tổn hại gì cho cô Th nên hoàn toàn chưa có cơ sở để kết luận họ phạm tội có tình tiết tăng nặng. Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội..

 

Dựa trên những phân tích trên, hai anh em đã vi phạm cấu thành tội phạm hình thức theo quy định tại Điều 135 BLHS. Tội “Cưỡng đoạt tài sản” là nhóm tội có cấu thành hình thức. Tức là khi người phạm tội có hành vi mà điều luật mô tả thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, các dấu hiệu về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Theo đó, những người đồng phạm này bao gồm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Mặc dù trong tình huống này không xác định rõ ràng từng đối tượng thuộc người thực hiện nào nhưng ta thấy họ đã cùng thực hiện, giúp sức lẫn nhau trong việc gặp gỡ, cưỡng đoạt tài sản của cô Th.

 

Như vậy, tình tiết “có tổ chức” đã thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:

 

“Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù. Việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng và phải đảm bảo đúng các quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.”

 

Đối với trường hợp của hai em, ta có thể sử dụng tình tiết đã trả lại đồ, có thái độ thành khẩn, hối lỗi, nhân thân, lý lịch tốt để được áp dụng mức hình phạt hoặc loại hình phạt nhẹ hơn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Trần Thị Lan Anh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh